12:01 15/12/2007

An ninh và kinh tế biển: “Hội nhập là phương án phòng thủ tối ưu”

Trần Lê

Tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, Đảng đã khẳng định luận điểm “Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương”

Tư duy về biển phải được thể hiện trong chính sách phát triển của ngành liên quan và các tỉnh có biển.
Tư duy về biển phải được thể hiện trong chính sách phát triển của ngành liên quan và các tỉnh có biển.
Tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, Đảng đã khẳng định luận điểm “Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương”, phù hợp với sự lựa chọn chiến lược phát triển của đất nước ta trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều hạn chế trong việc phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển còn nhỏ bé về qui mô, chưa hợp lý về cơ cấu ngành nghề, chúng ta chưa thực sự dựa vào biển để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh của biển. Quan điểm chỉ đạo của chiến lược là nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát huy mọi tiềm năng từ biển, với tầm nhìn dài hạn.

Vừa qua, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo về “Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thuỷ sản Việt Nam”. Nhiều tham luận có giá trị về tư duy và thực tiễn đã góp phần sáng tỏ tiềm năng và hạn chế của chúng ta về kinh tế biển.

Vấn đề đặt ra là sau hội thảo, các ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý, sẽ được tiếp thu, bổ sung và thực hiện như thế nào. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến trong hội thảo này.

“Chấp nhận mạo hiểm để vươn ra đại dương”

(TS. Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

“Phát triển thuỷ sản, ngoài ý nghĩa đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, còn là đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển.

Kinh tế thuỷ sản tăng trưởng liên tục bình quân 5-7%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2006 tăng 250 lần so với năm 1981. Năm 2006, tổng sản lượng thuỷ sản đạt gần 3,7 triệu tấn, chủ yếu khai thác từ biển (1,8 triệu tấn) và nuôi nước lợ (1 triệu tấn).

Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2000 đạt 1 tỉ USD, năm 2002 là 2 tỉ USD, 2005 đạt 2,5 tỉ USD, 2006 là 3,7 tỉ USD, và năm 2007 ước đạt 4 tỉ USD, thuộc 10 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu thuỷ sản.

Ngành thủy sản đã thực hiện đúng đắn công ước quốc tế về luật biển, ký nhiều hiệp định và biên bản ghi nhớ với nhiều nước, đóng góp tích cực trong việc phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc...

Hiện nay, không thể để tình trạng hiện nay có đội tàu cá quá lớn (trên 90.000 chiếc) nhưng 80% là tàu nhỏ dưới 45CV, khó tiến ra biển xa, và nhất định phải tổ chức lại nghề cá trên biển, có thể chấp nhận mạo hiểm để vươn ra đại dương.

Cũng vào năm 2020, thuỷ sản phấn đấu tăng trưởng kinh tế gấp 2 lần hiện nay (khoảng 7 tỉ USD), trong đó 70% tỉ trọng vẫn từ vùng nước lợ và biển. Cho nên đòi hỏi đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, duy trì đánh bắt gần bờ hợp lý, tăng cường nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo công nghệ cao kết hợp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên biển...

Vấn đề quan trọng là phải hướng ra biển sâu, từ ven biển và đảo mở rộng dần ra biển bên ngoài, cùng với bảo tồn biển, bảo vệ đa dạng sinh học, quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển, trước mắt đối với 15 khu bảo tồn đã trình Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích bằng 0,3% vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (đến năm 2010) và khoảng 3% vào năm 2020...”

”Đã đến lúc thống nhất một mối cơ quan quản lý biển đảo”

(PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển)

“Để đảm bảo thực hiện chiến lược kinh tế biển của Đại hội 10, cần triển khai một hệ thống giải pháp.

Trước hết phải thật sự quán triệt, thật sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Tư duy về biển phải được thể hiện trong chính sách phát triển của ngành liên quan và các tỉnh có biển. Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh nhằm khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên biển, đảo của tổ quốc.

Cần xây dựng tuyến ven biển và tuyến đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quí, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc thành những điểm kinh tế mạnh và căn cứ hậu cần kỹ thuật vững chắc. Từ nay đến 2010, thực hiện thí điểm xây dựng thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn và các đảo khác, cùng các công trình phụ trợ để người dân yên tâm bám trụ, sản xuất. Thí điểm xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế tại quần đảo Trường Sa, vùng biển Đông -Bắc...

Lực lượng nòng cốt trong khu quốc phòng-kinh tế là hải quân theo mô hình: cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng hải sản trên vùng biển xa bờ, các cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái biển. Nghiên cứu xây dựng mô hình hành chính phù hợp song song với nâng cao năng lực quản lý về biển.

Căn cứ vào chiến lược này, cần triển khai ngay quy hoạch vùng biển, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng vịnh Bắc Bộ, các vùng biển miền Trung, vùng vịnh Thái Lan, các khu vực có khả năng đột phá như Móng Cái, Vân Đồn, Nghi Sơn, Vũng áng, Đà Nẵng, Dung Quất-Chu Lai, Vân Phong, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quí.

Cần quy hoạch theo tầm nhìn kinh tế thị trường, dài hạn, hiện đại, công nghiệp chế biến sản phẩm từ biển. Cần nhất quán quan điểm coi vùng duyên hải gắn với kinh tế biển là vùng động lực để mở cửa, thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc gia.

Đã đến lúc thống nhất một mối cơ quan quản lý biển đảo. Tuy nhiên, chỉ xem xét phân cấp cho địa phương quản lý biển từ đường cơ sở trở vào đất liền, và phải chịu sự điều phối chung của cơ quan quản lý nhà nước về biển. Từ đường cơ sở trở ra phải do Nhà nước quản lý. Đi liền với bộ máy là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển bao gồm nhiều loại.

Biển là môi trường hoạt động có nhiều rủi ro, nên cần có chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho kinh tế biển, bằng hệ thống dự báo thời tiết, khí hậu, bão, sóng thần, trung tâm tránh bão, lực lượng và phương tiện hỗ trợ, hoạt động bảo hiểm... Cần thực hiện thật tốt các chính sách khuyến khích người dân ra biển làm kinh tế.

Các hoạt động hỗ trợ chính là: xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển, hải đảo như sân bay, bến cảng, đường bộ, điện, nước, bưu chính viễn thông, cáp quang biển, công trình nối đất liền với đảo, kết nối khu công nghiệp - đô thị mới - khu du lịch - tuyến du lịch biển...

Chính sách đưa dân ra đảo cần gắn thật chặt chẽ chương trình xây dựng đảo là tiền tiêu, là hậu cần vững chắc về an ninh - quốc phòng, đặc biệt là chương trình xây dựng các tuyến đảo từ Bắc vào Nam. Trong hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt chú ý tăng cường hợp tác với các nước lân cận Biển Đông và những nước có tiềm lực kinh tế, khoa học-công nghệ mạnh về biển.

Đồng thời, cần quán triệt sâu sắc quan điểm về xã hội hoá trong lĩnh vực đầu tư, kể cả các công trình thuộc kết cấu hạ tầng lớn như cảng biển, đường giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp của mọi hình thức sở hữu, bao gồm các hình thức BOT, BT...”

“Vùng ven biển là “bàn đạp” tiến ra biển”

(PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản)

“Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về tự nhiên và phát triển ở cả 4 mảng không gian: không gian ven biển, ven bờ; không gian biển; không gian đảo; không gian đại dương.

Vùng ven biển tập trung khoảng 50% dân số cả nước (tính cho các tỉnh ven biển), khoảng 30% (tính cho các huyện ven biển), cho nên phát triển vùng ven biển sẽ tạo động lực hỗ trợ phát triển vùng trung du - miền núi, tạo cơ sở cho phát triển vùng kinh tế biển vững chắc và lâu dài, đặc biệt chú ý phát triển “cảng quá cảnh” đối với các nước trong khu vực không có biển, cũng như các dịch vụ hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên biển Đông.

Vùng ven biển là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Cho nên dọc ven biển phải xây dựng các trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội (đô thị) có bán kính ảnh hưởng rộng ra biển, tạo tiền đề tạo ra chiến lược kinh tế gắn với an ninh quốc phòng.

Vùng biển rộng lớn ở phía ngoài là không gian phát triển các hoạt động hàng hải và khai thác dầu khí ở thềm lục địa, đồng thời là nơi hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế. Đây cũng là không gian phát triển nghề cá đa loài, quanh năm có cá đẻ, nên là nơi phát triển nghề đánh bắt hải sản với thường xuyên 10.000/90.000 tàu thuyền, vừa đánh bắt vừa góp phần bảo vệ an ninh tổ quốc.

Có thể tận dụng không gian trên biển trong phạm vi các giàn khoan dầu khí, các công trình biển khác để nuôi cá lồng bè, cùng với đánh bắt một số loài đặc sản di cư. Với hơn 3.000 hòn đảo phân bố tập trung vùng ven bờ và các quần đảo ngoài khơi thuộc quyền tài phán quốc gia, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo.

Quy hoạch phát triển kinh tế hải đảo cần dựa vào thế mạnh của từng nơi và đặt trong tư duy tổng thể phát triển hệ thống đảo và từng vùng biển, cũng như góc độ địa kinh tế, địa chính trị và các vấn đề xã hội. Đối với các đảo nhỏ, đảo hoang sơ thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo (bao gồm lặn biển). Đối với các đảo đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn... thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, dưới dạng “khu kinh tế mở”...

Không thể có nền kinh tế biển mạnh nếu không có yếu tố “dịch vụ quốc tế” và hoạt động dịch vụ của từng ngành. Trên thế giới, giá trị dịch vụ ngoài biên giới (vùng biển quốc tế, hoạt động viễn dương và khai thác đại dương...) của nền kinh tế biển chiếm phần rất quan trọng, nếu không nói là quyết định. Cho đến nay, vẫn chưa xác định rõ các cực phát triển và các tuyến lực mạnh ở ven biển trong và ngoài 3 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

Trong lúc đó, trên biển đã xác định được sơ bộ 6 vùng đa dạng sinh học, 13 ngư trường quan trọng đối với nghề cá, 9 cụm biển đảo cần ưu tiên bảo tồn và 15 khu bảo tồn biển đến năm 2010 (chiếm 0,3% diện tích vùng biển đặc quyềnkinh tế, khoảng 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha cỏ biển, một phần rừng ngập mặn, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ của các loài sống ở vùng biển ven bờ, khoảng 100 loài quí hiếm sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt)”.

“Phát huy 6 lĩnh vực kinh tế biển”

(TS. Nguyễn Thiết Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà)

“Kinh tế biển là nền kinh tế tổng hợp bao gồm 6 lĩnh vực kinh tế thành phần: cảng, đóng tàu, du lịch biển đảo, thuỷ sản, khai thác mỏ, lấn biển. Việt Nam có đầy đủ 6 thành phần đó.

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200 km với chỉ số biển khoảng 0,01, cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình của toàn cầu, với vô số vịnh đẹp nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu... Chưa biết đáy biển và ven bờ có những mỏ gì, song dầu khí, than đá, cát... thì chắc chắn có. Ngoài ra, ở những nơi đó còn có nhiều khoáng sản quí như sắt, thiếc, than đá, titan, imenit, vàng, bạch kim, volfram...

Chưa bao giờ ngành đóng tàu phát triển mạnh mẽ như bây giờ, chưa bao giờ trình độ đóng tàu của ta đạt ngang trình độ quốc tế như bây giờ. Đến năm 2010, Tập đoàn Vinashin sẽ xây dựng và nâng cấp 10 tổng công ty đóng tàu lớn nhất, mà hiện đang đóng được tàu 100.000 tấn.

Nhưng ngoài vỏ tàu, thì phương tiện giao thông khổng lồ này còn trang bị rất nhiều loại máy hiện đại, nên đòi hỏi phải phát triển công nghiệp phụ trợ kịp thời. Đương nhiên, không nên quá say sưa về thành quả mà quên đi vấn đề ô nhiễm do công nghiệp đóng tàu gây ra không phải là nhỏ.

Nhưng thành phần khai thác đại dương lại không thuộc các thành phần khai thác ven biển và biển gần nói trên. Kinh tế cảng mới là quan trọng bậc nhất, giữ vai trò chủ đạo. Nơi nào có cảng, nơi đó là thành phố, cảng càng lớn thì thành phố càng lớn. Cho nên có nhiều nước có biển nhưng thủ đô lại không phải là thành phố lớn nhất nước, như Hà Nội so với Tp.HCM, Bắc Kinh so với Thượng Hải, Washington so với New York...

Theo dõi tổng thu ngân sách nhà nước nhiều năm của Hà Nội và Tp.HCM, thấy rằng tổng thu của Tp.HCM luôn gấp đôi Hà Nội. Đó là vì một nửa tổng thu ngân sách của Tp.HCM là thuế xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng lớn nhất nước. ở Khánh Hoà, năm 2002 mặc dù còn trong giai đoạn xây dựng Vân Phong thành cảng trung chuyển, mới chiếm 7% tổng lượng dầu nhập khẩu, mà đã tăng đột biến thuế xuất nhập khẩu từ 100 tỉ đồng lên 800 tỉ đồng/năm. Nếu toàn bộ xăng dầu được thông qua cảng Vân Phong, thì riêng ngân sách của khoản này đã trên 10.000 tỉ đồng/năm!

Nhưng không vì thế mà nhiều tỉnh đã và đang “thi đua” xây cảng để rồi... bỏ đấy!... Biết quy hoạch ổn định 6 thành phần của kinh tế biển, nhất định chúng ta sẽ “cất cánh”, còn nếu nôn nóng, ăn xổi thì “gãy cánh” là chuyện tất yếu phải xảy ra”.

“Hội nhập là phương án phòng thủ tối ưu”

(PGS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới)

“Việt Nam có một tài nguyên biển có thể nói là nhất khu vực, là lợi thế địa kinh tế. Nước ta ở gần đường hàng hải quốc tế vào loại sôi động nhất thế giới, ở trung tâm vùng kinh tế Đông Á phát triển năng động nhất.

Lợi thế này gần như là duy nhất châu Á, có tầm quan trọng cả về an ninh và kinh tế. Vị thế này càng có giá trị cao hơn, do Việt Nam có nhiều cảng nước sâu nổi tiếng Cam Ranh, Vân Phong, Thị Vải, Cái Lân... giữa lúc hội nhập toàn cầu sâu rộng. Song đáng tiếc là cho đến nay chúng ta hầu như chưa khai thác đáng kể lợi thế địa kinh tế này.

Lĩnh vực kinh tế biển Việt Nam có tính quốc tế cao nhất, bởi vì vùng biển của ta giáp với nhiều nước, với đường hàng hải quốc tế, có các vùng biển tranh chấp lớn như Hoàng Sa, Trường Sa, cho nên vùng biển Việt Nam có tính quốc tế từ rất lâu. Các lĩnh vực dầu khí, hải sản, du lịch, các hải cảng lớn nổi tiếng đều có liên quan đến quan hệ quốc tế. Nếu dừng quan hệ quốc tế, kinh tế biển Việt Nam sẽ ngưng trệ.

Ngược lại, khi quan hệ quốc tế được mở rộng, kinh tế biển sẽ phát triển cao, giải quyết được thoả đáng các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, khai thác và tiêu thụ các nguồn dầu khí và hải sản có hiệu quả, thu hút khách du lịch quốc tế... Chúng ta đã có nhiều cố gắng đổi mới các chính sách thu hút FDI, thương mại, hải quan...

Tuy nhiên có thể nói, kinh tế biển Việt Nam cho tới nay vẫn còn đang phát triển dưới tiềm năng của nó. Lý do chủ yếu vẫn là cơ chế, chính sách chưa đủ thông thoáng để mở cửa vùng biển hội nhập với khu vực và thế giới. May mắn là mới đây ta đã có chủ trương xây dựng cảng Vân Phong thành cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế. Cảng Vân Phong là 1 trong số 7 cảng có ưu thế nhất thế giới, khi trở thành cảng trung chuyển quốc tế, nhất định sẽ đưa cả vùng trở thành trung tâm kinh tế lớn.

Cần có thể chế phù hợp với thông lệ quốc tế, có chính sách mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn, vượt trội hơn. Nên chuyển hướng phát triển ra biển, lấy vùng ven biển làm trục phát triển, lấy hành lang vận tải ven biển làm trục chính, giảm bớt vận tải trên bộ. Sự chuyển hướng phát triển này đòi hỏi phải sửa đổi các quy hoạch đầu tư về vận tải, không phải lấy việc hiện đại hoá đường sắt, đường bộ Bắc - Nam làm định hướng trước mắt.

Định hướng chiến lược trước mắt phải là hiện đại hoá vận tải đường biển, cùng với hiện đại hoá đường bộ và đường sắt theo hướng Đông - Tây, nhằm phục vụ cho các khu kinh tế, các thành phố lớn mở ở ven biển.

Quan hệ hợp tác, hội nhập khu vực và thế giới sẽ là phương án phòng thủ tối ưu và hữu hiệu nhất, nếu các công ty lớn đầu tư khai thác ở vùng biển Việt Nam, thì họ bảo vệ lợi ích của họ đồng thời cũng bảo vệ lợi ích của ta.

Ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu phải được mở cửa và thu hút vốn FDI là công nghệ đóng tàu. Chúng ta có lợi thế về nhiều cảng, lao động rẻ, một số nước phát triển muốn chuyển dịch công nghệ đóng tàu đã kém lợi thế sang ta...”