Xuất khẩu 2025 đặt mục tiêu tăng trưởng 10 - 12%, xuất siêu trên 20 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024 ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023; trong đó xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8%. Với kết quả này, Bộ Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng trên 10-12% so với năm 2024, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD...
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2024 của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất nhập khẩu năm 2024 đã hồi phục mạnh mẽ, ghi nhận nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số ước liên Bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024 ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Hầu hết các thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt. Kết quả xuất khẩu sang thị trường ASEAN và các nền kinh tế như EU, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA đều đạt tăng trưởng cao.
Đặc biệt, ông TrầnThanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp, ước đạt 24,1 tỷ USD trong cả năm. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước và nhập khẩu đều ghi nhận phục hồi mạnh mẽ.
Hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mang về doanh thu lớn nhất có thể, nhờ đó, tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, nhiên liệu khoáng sản.
Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%).
Đáng chú ý mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng đã từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia...
Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng.
Mặc dù vậy, bước sang năm 2025, xuất khẩu Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rủi ro nhất là tập trung đa phần vào một số thị trường lớn. Song Cục Xuất nhập khẩu đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10-12% so với năm 2024 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng chúng ta cần ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Tăng cường cơ chế kiểm soát rủi ro để chất lượng kiểm tra, giám sát hàng hóa tốt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, địa phương mở rộng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như hợp tác chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng qua biên giới.
Đồng thời tạo ra sự liên thông, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các phòng, ban trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa để tạo cơ sở pháp lý ràng buộc, minh bạch cho việc tổ chức, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nhà nước.