14:16 05/12/2007

Áp dụng cách tính CPI mới, vì sao?

TS. Trần Đình Thiên, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam, nêu lý do phải áp dụng phương pháp mới trong tính chỉ số giá tiêu dùng

“Trong nền kinh tế thị trường thì CPI là chuẩn quan trọng nhất cả trong cân đối quốc gia và cân đối doanh nghiệp.”
“Trong nền kinh tế thị trường thì CPI là chuẩn quan trọng nhất cả trong cân đối quốc gia và cân đối doanh nghiệp.”
7,92% là mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 11 tháng đầu năm theo cách tính mới. Trong khi theo cách tính cũ do Tổng cục Thống kê công bố thì chỉ số giá tiêu dùng cùng thời gian này là 9,45%.

>>Giá tiêu dùng giảm do... cách tính mới

Về việc vì sao phải áp dụng phương pháp mới trong tính CPI, TS. Trần Đình Thiên, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết:

- Đây là công việc tất yếu phải làm. Thứ nhất là vì chúng ta hội nhập, cần tuân thủ những phương pháp mang tính thông lệ quốc tế. Hiện trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng phương pháp thống kê mà chúng ta mới áp dụng.

Về mặt xã hội, các cơ quan chức năng khi công bố áp dụng cách tính mới nên giải thích đầy đủ và rõ ràng hơn. Ví dụ như cách tính trọng số, kết quả khảo sát điều tra để hình thành trọng số. Ưu nhược của mỗi phương pháp tính CPI trước đây và hiện nay...

Nói một cách dễ hiểu thì hai cách tính có gì khác nhau và ưu nhược của chúng, thưa ông?

Cách cũ là lấy chỉ số giá của tháng này so với tháng trước đó để lấy tỉ lệ tăng của từng tháng. Sau đó cộng tất cả tỉ lệ ấy của 12 tháng thành con số tăng giá của cả năm.

Cách tính mới là đem chỉ số của tháng này so với chỉ số của tháng cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ chênh lệch chính là mức tăng giá của mỗi tháng. Cộng cả 12 mức tăng mỗi tháng đó lại sau đó chia cho 12 để lấy số trung bình. Số đó tính là CPI cả năm.

Cách tính thứ nhất thì dễ nhận thấy những biến động của từng thời điểm và có thể nắm được chu kỳ của nó. Tuy nhiên, con số đó đôi khi bị lệ thuộc vào chính những biến động đó mà không phản ánh đúng tình hình chung của cả năm hay cả giai đoạn.

Cách tính thứ hai thì loại bỏ được sự ảnh hưởng của những biến động ngắn hạn. Và hiện đó là cách tính chung của nhiều quốc gia. Tính theo đó thì chúng ta có thể đo được nền kinh tế của mình với nước khác.

Theo ông, tại sao đến bây giờ Việt Nam mới áp dụng cách thứ hai?

Các nhà khoa học đã được giao thảo luận và có ý kiến về việc áp dụng phương pháp tính CPI mới từ hai, ba năm trước. Các bộ ngành chuyên môn cũng đã tính toán từ ngày đó nhưng nay mới áp dụng.

Lý do chậm có thể vì việc thay đổi một chỉ số kinh tế không đơn giản vì liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Và thông thường chỉ khi nào lạm phát ở mức báo động thì người ta mới quan tâm đến nó.

Có sự chênh lệch giữa cách tính theo phương pháp mới và cũ, điều này có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế?

Có thiệt hại hay không và thiệt hại là bao nhiêu thì chưa thể kết luận được. Lý do là khi chúng ta áp dụng cách tính cũ thì có khi người được lợi nhưng không biết mình lợi và ngược lại. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thị trường hóa nên cũng rất khó áp dụng các công thức thị trường để đo lường.

Ông đánh giá gì về tỉ lệ 42,85% của nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong cơ cấu "rổ hàng hóa" hàng tiêu dùng?

Về lý thuyết chỉ số này được hình thành trên kết quả điều tra thống kê. Nước ta có tỉ lệ nông dân cao, thu nhập bình quân đầu người chủ yếu được dùng để mua lương thực thực phẩm nên con số này vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Có thể thấy khi GDP tăng thì thu nhập bình quân tăng tỉ lệ thuận. Tức là người dân ngày một thu nhập cao. Khi đó họ có thể dành phần mua sắm các hàng hóa tiện nghi khác ngày một nhiều, như vậy tỉ trọng tiền dùng để mua lương thực thực phẩm giảm dần mặc dù con số tuyệt đối, tức là thực chi cho gạo, thịt có thể tăng lên.

Những năm gần đây trọng số của hàng lương thực thực phẩm ngày một giảm. Tuy nhiên năm nay chúng ta chịu ảnh hưởng thiên tai khá nặng nề, thu nhập đầu người sẽ không thể tăng cao và tỉ lệ số tiền của mỗi gia đình dành mua lương thực thực phẩm cũng sẽ lớn hơn. Nếu đem so với một số quốc gia khác, ví dụ ở Thái Lan, thu nhập của dân họ cao hơn ta, khả năng chi tiêu ngoài chuyện lương thực thực phẩm của họ lớn hơn ta. Vì vậy nhóm lương thực thực phẩm chỉ chiếm 36%.

Tôi cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay con số 42,85% của nhóm này tại Việt Nam là có thể chấp nhận được. Theo tôi, việc điều hành chống lạm phát hiện nay tuy chưa tốt nhưng việc áp dụng phương pháp tính CPI mới là cần thiết. Vấn đề là chúng ta phải nghiêm túc trong công tác điều tra thống kê và công khai đầy đủ các con số, phương pháp tính cũng như lý do lựa chọn nó.

Chỉ số CPI có tầm quan trọng như thế nào tới nền kinh tế - xã hội, thưa ông?

Trong nền kinh tế thị trường thì CPI là chuẩn quan trọng nhất cả trong cân đối quốc gia và cân đối doanh nghiệp. Căn cứ vào nó người ta mới tính được giá vốn, tức là lãi suất. Giá vốn thì ảnh hưởng tới tất cả mọi lĩnh vực kinh tế. Từ CPI người ta mới tính được chi phí, đầu ra đầu vào... Tóm lại, CPI có tầm ảnh hưởng tới mọi chỉ tiêu cân đối của kinh tế.