18:56 13/01/2024

Apple "khó khăn chồng chất khó khăn" khi Chính phủ quyết tâm chống độc quyền

Bảo Ngọc

Theo chuyên gia pháp lý, vụ kiện chống độc quyền chống lại Apple từ Chính phủ liên bang có thể tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử lâu đời của công ty …

Cuối tuần trước, New York Times đưa tin Bộ Tư pháp (DOJ) đang bước vào giai đoạn cuối của cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về Apple, có thể dẫn đến một vụ kiện vào cuối năm nay.

Cuộc điều tra được cho là tập trung vào mọi khía cạnh, từ chuỗi cung ứng liền mạch giữa iPhone và Apple Watch đến hệ thống thanh toán kỹ thuật số hay việc Apple sử dụng khung văn bản màu xanh lá cây để phân biệt giữa tin nhắn Android và iMessage. Nói tóm lại, Chính phủ đang đưa ra cái nhìn bao quát về hệ sinh thái khổng lồ trị giá 2,8 nghìn tỷ USD của đại gia Thung lũng Silicon, theo CNN Business.

APPLE LÀ NGOẠI LỆ

Apple - công ty giá trị nhất thế giới - là gã khổng lồ công nghệ hàng đầu duy nhất mà Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa khởi kiện vì lý do chống độc quyền trong vài năm qua. Ông Adam Wolfson, luật sư chống độc quyền đến từ công ty luật Quinn Emanuel, cho biết nếu các quan chức chống độc quyền quyết tâm “truy lùng”, vụ kiện chắc chắn sẽ trở thành “cuộc tấn công toàn diện” vào hoạt động kinh doanh của Apple.

Apple đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Cuộc điều tra của DOJ không có nghĩa là cơ quan này có ý định khởi kiện, họ vẫn có thể chọn không khởi kiện. Tuy nhiên, ông William Kovacic, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang - một trong những cơ quan chống độc quyền hàng đầu đất nước, nhận định quyết định đưa Apple ra tòa sẽ là “vấn đề rất lớn”.

VAI TRÒ CỦA APPLE TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

Cột mốc quan trọng nhất trong gần nửa thế kỷ tồn tại của Apple chính là quyết định sa thải nhà lãnh đạo Steve Jobs vào năm 1985, cùng với sự trở lại của ông vào năm 1997 và bước ngoặt định mệnh khi chính thức ra mắt iPhone, iPad, cửa hàng ứng dụng Apple, mở ra thời đại điện thoại di động cũng như kỷ nguyên điện toán thay đổi hoàn toàn xã hội toàn cầu.

Apple "khó khăn chồng chất khó khăn" khi Chính phủ quyết tâm chống độc quyền - Ảnh 1

Bất chấp độ phủ sóng mạnh mẽ tới người dùng, Apple đã thu hút chỉ trích ngày càng tăng từ nhiều nhà sản xuất ứng dụng, đối thủ cạnh tranh và nhà hoạch định chính sách, cáo buộc công ty cản trở khách hàng và dồn ép đối thủ cạnh tranh phải chấp nhận điều khoản khắt khe để tiếp cận người dùng Apple.

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đề xuất luật bắt buộc mở cửa hàng ứng dụng Apple, tuy nhiên sau đó dự luật bị đình trệ do Apple và Google phản đối.

Trong diễn biến khác, một số đối thủ đã “thách thức” thành công công ty, gần đây nhất là vụ kiện tranh chấp bằng sáng chế dẫn đến lệnh cấm đối với một số dòng Apple Watch vào tháng trước.

KIỀM CHẾ QUYỀN LỰC ĐỘC QUYỀN

Vào năm 2020, cuộc điều tra từ Hạ viện Hoa Kỳ cho thấy Apple, cùng với Amazon, Google và Meta, đều nắm giữ quyền lực độc quyền có thể gây ảnh hưởng tiêu cực.

Cuộc điều tra kéo dài 16 tháng bao gồm hàng loạt phiên điều trần cấp cao với hầu hết CEO công nghệ và lên đến đỉnh điểm là Báo cáo Quốc hội dài 450 trang nêu chi tiết một số hoạt động kinh doanh bị cáo buộc là phản cạnh tranh từ các công ty.

Điều này cũng thúc đẩy làn sóng giám sát chống độc quyền trỗi dậy, dẫn đến loạt vụ kiện của Chính phủ Hoa Kỳ chống lại tất cả ông lớn có tên trong báo cáo, ngoại trừ Apple.

Cách xử lý tin nhắn đến từ Android của Apple đã nổi lên như ví dụ điển hình cho cáo buộc công ty cố gắng lạm dụng sức mạnh độc quyền. Ông Wolfson cho biết, bằng cách hiển thị tin nhắn từ Android trên iPhone trong khung văn bản màu xanh lá cây thay vì màu xanh lam thông thường, Apple đã tạo ra sự phân biệt rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là liệu động thái sử dụng quyền lực như vậy có tác động phản cạnh tranh hay không.

Năm ngoái, Apple đã công bố kế hoạch cải thiện khả năng tương tác với tin nhắn Android khi áp dụng tiêu chuẩn được gọi là “Dịch vụ liên lạc đa phương tiện”, mặc dù nhiều chuyên gia dự đoán Apple sẽ giữ nguyên khung tin nhắn màu xanh lá cây.

Bắt đầu từ năm 2020, Apple đã bước vào cuộc chiến chống độc quyền công khai trên cửa hàng ứng dụng với Epic Games, nhà sản xuất nổi tiếng với tựa game “Fortnite”, nhưng cuối cùng Tòa án Hoa Kỳ và Tòa Phúc thẩm Liên bang đều ra phán quyết rằng Apple không độc quyền bất hợp pháp thị trường phân phối ứng dụng trên nền tảng của hãng.

Epic Games đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, mặc dù thẩm phán vẫn chưa xác định liệu có tiếp tục xét xử vấn đề hay không.

Những phán quyết hiện tại nêu bật thách thức phía trước đối với Bộ Tư pháp, cơ quan sẽ cần đưa ra bằng chứng pháp lý mạnh mẽ nếu muốn cáo buộc Apple gây tổn hại đến thị trường cạnh tranh. DOJ cũng cần chứng minh những lợi ích mà Apple mang lại cho người dùng không lớn hơn những vi phạm chống độc quyền bị cáo buộc.

Ông Kovacic nhận định: “Vụ kiện đối diện với vô cùng nhiều thách thức. Apple sẽ lập luận tương tự như Google, Amazon và Facebook, rằng hành vi của hãng không mang ý nghĩa xấu, mà là yếu tố quan trọng trong quá trình cung cấp cho người dùng trải nghiệm tốt nhất”.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho biết, nếu Bộ Tư pháp khởi kiện Apple, vụ kiện có thể bùng nổ tương đương vụ truy tố chống độc quyền của Chính phủ Mỹ với Microsoft trong những năm 1990. 

CHÍNH PHỦ THIẾT LẬP KỶ NGUYÊN MỚI 

Dẫn đầu bộ phận chống độc quyền của DOJ và FTC là thế hệ quan chức mới từng lập luận rằng Hoa Kỳ đã thực thi kém chương trình chống độc quyền của quốc gia trong lịch sử, dẫn đến làn sóng hợp nhất doanh nghiệp và vô số hành vi phản cạnh tranh mà cuối cùng gây tổn hại cho công chúng thông qua giá cao hơn, ít lựa chọn hơn hoặc giảm sự đổi mới.

Kể từ đó, cả hai cơ quan đều theo đuổi các vụ kiện cấp cao chống lại hầu hết big tech và thương vụ sáp nhập lớn.

Ông David Balto, cựu Giám đốc Chính sách từ FTC, cho biết: “Một trong những thành tựu lớn nhất của chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt về mặt chính sách kinh tế, là đã đưa vấn đề chống độc quyền ra ngoài ánh sáng”.

Các thành viên Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về bối cảnh tập trung kinh tế ngày càng tăng và đã thông qua quyết định tăng ngân sách cho FTC cũng như DOJ.

Bà Charlotte Slaiman, luật sư chống độc quyền kiêm Phó Chủ tịch Public Knowledge, nhấn mạnh bối cảnh hiện tại cho thấy các nhà lập pháp có vai trò then chốt như thế nào trong công cuộc hạn chế lạm dụng cạnh tranh.

Bà Slaiman nói thêm, vụ kiện chống lại Apple có khả năng dẫn đến thay đổi sâu rộng đối với lĩnh vực công nghệ chưa từng thấy kể từ vụ kiện của Microsoft, kết thúc bằng thỏa thuận mang tính đột phá mà nhiều chuyên gia tin tưởng sẽ góp phần phát triển thị trường Internet hiện đại.

Luật sư Wolfson khẳng định: “Nếu Chính phủ khởi kiện Apple bây giờ, đó sẽ là bước tiến rõ rệt đối với những gì họ đang theo đuổi”.