10:17 28/08/2008

ASEAN đẩy mạnh tiến trình hội nhập

Trung Việt

ASEAN lên kế hoạch ký kết hiệp định tự do thương mại và hợp tác kinh tế với nhiều đối tác

Hợp tác kinh tế của ASEAN với các đối tác bên ngoài được triển khai từ giữa những năm 1990, chủ yếu là với các đối tác lớn.
Hợp tác kinh tế của ASEAN với các đối tác bên ngoài được triển khai từ giữa những năm 1990, chủ yếu là với các đối tác lớn.
Tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 40 đang diễn ra ở Singapore ( 26 - 29/8), các đại biểu đã tập trung thảo luận việc tăng cường quan hệ thương mại nội khối; chuẩn bị hoàn tất hiệp định tự do thương mại (FTA) với Ấn Độ; đẩy mạnh tiến trình hội nhập và tự do hoá của cả khối...

Thủ tướng nước chủ nhà Singapore, Lý Hiển Long, trong phiên khai mạc Hội nghị đã nhấn mạnh, hội nghị lần này diễn ra vào một thời điểm quan trọng, sau khi các cuộc đàm phán về tự do thương mại toàn cầu, diễn ra tại Geneva vừa thất bại.

Sẽ hoàn tất FTA với Ấn Độ

Ông Lý Hiển Long khẳng định, trong khi hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy định rõ ràng vẫn là sự lựa chọn tối ưu đối với nền kinh tế thế giới, ASEAN cần phải tiếp tục hội nhập và tự do hóa các nền kinh tế thành viên.

Ông cảnh báo về sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, đề nghị các bộ trưởng "cảnh giác với bất kỳ sự trở lại nào" của hoạt động bảo hộ, kiên quyết chống lại ý định tăng cường các hàng rào thuế quan cũng như việc thực thi bảo hộ.

Các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã đạt được nhất trí đáng ghi nhận về một thỏa thuận mới dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan, đơn giản hóa các thủ tục hải quan và xây dựng các tiêu chuẩn chung về đánh giá chất lượng sản phẩm.

Các bộ trưởng cũng thảo luận một mục tiêu quan trọng là hiệp định tự do thương mại (FTA) với Ấn Độ. Theo đó, sẽ hoàn tất hiệp định trong kỳ họp này, để hai bên có thể chính thức ký tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 12 tới ở Bangkok (Thái Lan).

Đại diện các nước ASEAN  hy vọng sẽ đàm phán xong phần lớn nội dung của hiệp định kinh tế toàn diện với Australia và New Zealand.

Từ năm 2003, các nước ASEAN và Ấn Độ đã triển khai Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ, tháng 11/2002, tại Phnom Penh, về xây dựng Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ (AICEP) hướng tới một FTA giữa hai bên.

Một hiệp định khung hai bên về AICEP đã được đàm phán xong và ký vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ, tại Bali, tháng 10/2003. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ xây dựng FTA song phương.

Với New Zealand và Australia, từ tháng 9/2002, tại Brunei, các nước ASEAN và CER (New Zealand và Australia) đã ký Tuyên bố chung thiết lập đối tác kinh tế chặt chẽ song phương. Những biện pháp thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư là  nội dung chủ yếu của quan hệ Đối tác kinh tế chặt chẽ ASEAN – CER.

Mở rộng nhiều hình thức liên kết

Các nhà lãnh đạo ASEAN xác định, đạt được thỏa thuận tự do thương mại với Ấn Độ,CER, giúp mở cửa hơn nữa thị trường đối với các loại hàng hóa, dịch vụ và tạo cơ sở cho việc phát triển quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với các nền kinh tế khác ở châu Á.

Hợp tác kinh tế của ASEAN với các đối tác bên ngoài được triển khai từ giữa những năm 1990, chủ yếu là với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU)...ASEAN đã và đang tích cực đàm phán, ký kết FTA với các đối tác kinh tế lớn, đẩy nhanh tiến trình hội nhập, tự do hoá thương mại; mở cửa hơn nữa thị trường hàng hoá, dịch vụ khu vực.

Hội nghị cấp cao ASEAN tại Bali (Indonesia) gần đây đã quyết định xây dựng ASEAN thành một Cộng đồng kinh tế vào năm 2020. ASEAN sẽ trở thành một thị trường duy nhất, có cơ sở sản xuất thống nhất, có sự chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nhân công có tay nghề.

ASEAN cũng sẽ hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực kinh tế chuyên ngành, công nghệ, khoa học, ... Với tiến trình này, trong hai thập niên tới, ASEAN sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu một thị trường chung.

Nhưng ASEAN không hoàn toàn là một khối kinh tế “đóng” theo kiểu EU, mà có khuynh hướng "mở", với nhiều hình thái liên kết kinh tế với các đối tác bên ngoài. Các khu vực mậu dịch tự do ASEAN với các đối tác như: Trung Quốc, Ấn Độ,  Nhật Bản, New Zealand và Australia, EU, Mỹ, trong khuôn khổ Hiệp định về Thuận lợi hóa thương mại và Đầu tư (TIFA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Mỹ và Khu vực Mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA), trong tương lai... sẽ tạo nên mạng lưới dày đặc các liên kết có tâm là ASEAN.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo rằng, cùng với những liên kết song phương đang hình thành giữa từng nước ASEAN với các đối tác bên ngoài, các mối liên kết giữa ASEAN với tư cách là một khối với các đối tác bên ngoài ASEAN nêu trên có thể sẽ là một nhân tố làm yếu đi sự thống nhất của ASEAN và không loại trừ nguy cơ sẽ "hòa tan" nó trong một thực thể Đông Á...