11:32 30/11/2007

Ba bất cập trong kiềm chế lạm phát

Có thể nói năm 2007 là năm đặc biệt về giá cả do tốc độ tăng giá cao hơn và nhiều kịch tính hơn những năm trước

Việc nghiêng về phát hành trái phiếu quốc tế để thu hút ngoại tệ, trong khi lượng trái phiếu đó có thể được phát hành trong nước để hút ngoại tệ và lượng tiền dư thừa cũng là một bất cập khác...
Việc nghiêng về phát hành trái phiếu quốc tế để thu hút ngoại tệ, trong khi lượng trái phiếu đó có thể được phát hành trong nước để hút ngoại tệ và lượng tiền dư thừa cũng là một bất cập khác...
Bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Có thể nói năm 2007 là năm đặc biệt về giá cả do tốc độ tăng giá cao hơn và nhiều kịch tính hơn những năm trước.

Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và việc Chính phủ dùng các biện pháp hành chính để kiểm soát giá nhiều mặt hàng quan trọng và nhạy cảm là những yếu tố góp phần thêm vào độ nóng của giá cả.

Việc triển khai các cam kết trong khuôn khổ WTO của Việt Nam có tác động hai mặt đến giá cả. Một mặt, có nhiều mặt hàng do thuế nhập khẩu giảm, nguồn cung tăng đã góp phần làm hạ mức giá chung của thị trường. Mặt khác, việc bùng nổ thu hút nguồn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài đã khiến tổng cung tiền tăng lên, gây áp lực lớn đến việc tăng giá. Rất có thể năm nay mức tăng CPI sẽ cao hơn mức tăng GDP, tức lạm phát sẽ vào khoảng trên 10% (trong 11 tháng đầu năm, mức tăng giá đã đạt 9,45%).

Chính phủ đã có nhiều cố gắng để kiềm chế sự gia tăng của giá cả, tuy nhiên xét trên góc độ kinh tế thị trường, những biện pháp quản lý giá của Chính phủ trong thực tế phần nào còn mang tính “hớt ngọn”, thiếu chủ động và đồng bộ.

Điều này thể hiện tập trung ở ba điểm sau:

Thứ nhất, chưa coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo giá cả khách quan với mục tiêu chính sách chủ quan. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến Chính phủ bất ngờ và lúng túng trong việc giải mã, bắt mạch, kê đơn cho các động thái giá cả thị trường, từ đó làm giảm tính chủ động và hiệu quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát được lựa chọn.

Thứ hai, chưa coi trọng việc tuân thủ đúng các yêu cầu cũng như quy trình của nền kinh tế thị trường. Cụ thể là chưa tạo ra sự cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh trong việc cung cấp các sản phẩm và nguyên, nhiên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, rồi mới bãi bỏ sự kiểm soát hành chính về giá.

Đối với một số mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ, điện, thuốc chữa bệnh... cần phải tạo ra một thị trường cạnh tranh đầy đủ rồi Nhà nước mới bãi bỏ quản lý giá, để bàn tay vô hình của thị trường làm đúng chức năng của mình... Trong khi, trên thực tế tình hình đang diễn ra ngược lại và phát sinh nhiều bất cập.

Thứ ba, chưa coi trọng sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan chức năng và các loại công cụ chính sách, nhất là giữa ngành tài chính với ngân hàng, đặc biệt trong việc sử dụng các công cụ lãi suất, hạn mức tín dụng, dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại hối và chính sách thuế, chính sách nợ chính phủ.

Đồng thời, trong công tác điều hành nền kinh tế cũng chưa có sự đồng bộ, nhất quán giữa việc ban hành, triển khai, giám sát, kiểm tra và chế tài hiệu quả các vi phạm chính sách trên thực tế...Vừa qua, các cơ quan liên ngành mới chỉ tập trung vào các giải pháp về tài chính, còn nhóm giải pháp về tiền tệ thì khá mờ nhạt, điều này đã tạo điều kiện cho lạm phát tăng cao.

Năm 2007 là năm lãi suất ngân hàng thực âm, tức lãi suất các ngân hàng thương mại thấp hơn mức lạm phát, người gửi tiền tiết kiệm bị thiệt thòi lớn - điều mà suốt từ năm 1993 đến nay mới lại xảy ra, vì thế có thể nói năm 2007 là năm bội thu của khu vực ngân hàng Việt Nam.

Việc nghiêng về phát hành trái phiếu quốc tế để thu hút ngoại tệ, trong khi lượng trái phiếu đó có thể được phát hành trong nước để hút ngoại tệ và lượng tiền dư thừa cũng là một bất cập khác...

Dự báo năm 2008 tình hình giá cả sẽ có nhiều động thái tương tự như năm nay nhưng ở trong nước thì các yếu tố tích cực sẽ nhiều hơn yếu tố tiêu cực, vì thế CPI có thể dưới mức tăng trưởng GDP vào năm 2008.

Nhưng để thực hiện được điều này còn phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của Chính phủ. Hy vọng, Chính phủ sẽ có nhiều chính sách đột phá và hiệu quả hơn liên quan đến việc tạo lập đồng bộ các cơ chế thị trường.

Cần nhấn mạnh rằng, nếu thiếu sự cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát hiệu quả của Chính phủ thì chuyện các doanh nghiệp độc quyền lợi dụng sự biến động giá cả để thu lợi không chính đáng là điều có thể xảy ra. Nếu Chính phủ cho phép tự do hóa cạnh tranh cao hơn sẽ tạo ra sức ép giảm giá lớn hơn.

Đặc biệt, cần giải quyết được bài toán tăng lương, nhất là để tránh cái vòng luẩn quẩn tăng lương - tăng giá - tăng lương... Không nên biến việc tăng lương thành các làn sóng toàn xã hội, mà hãy để chuyện tăng lương trở thành chuyện bình thường, mang yếu tố thị trường của từng khu vực, ngành, của từng doanh nghiệp trong sự kiểm soát chung của Chính phủ bên cạnh sự giám sát của các hiệp hội và công đoàn.

Quan trọng nhất là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan trong việc dự báo và đưa ra phương án thực thi các chính sách và giải pháp phòng ngừa việc tăng giá...

* Nếu thiếu sự cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát hiệu quả của Chính phủ thì chuyện các doanh nghiệp độc quyền lợi dụng sự biến động giá cả để thu lợi không chính đáng là điều có thể xảy ra. Nếu Chính phủ cho phép tự do hóa cạnh tranh cao hơn sẽ tạo ra sức ép giảm giá lớn hơn.