Ba kịch bản giải quyết BOT Cai Lậy
Trong 3 kịch bản cho BOT Cai Lậy, có phương án đặt hai trạm thu phí ở cả tuyến đường tránh và quốc lộ cũ
"Nếu điều chỉnh hoặc không thu phí BOT Cai Lậy thì nhà nước phải đền bù cho nhà đầu tư khoảng 1.398 tỷ đồng, trong đó phần đầu tư trên quốc lộ 1 là 380 tỷ, tuyến tránh khoảng 1.100 tỷ. Do đó, việc di dời trạm là không khả thi".
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông với báo giới ngày 5/12, sau khi Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) từ 1-2 tháng để rà soát, xem xét lại quá trình đầu tư cũng như vị trí đặt trạm.
"Không ai nói Nhà nước sẽ mua lại BOT Cai Lậy"
Thứ trưởng Đông cho hay, trong cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với một số bộ ngành và UBND tỉnh Tiền Giang tối 4/12, Bộ đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy.
Theo đó, kịch bản thứ nhất là vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích.
Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí.
Đồng thời, theo tính toán thì phương án này không khả thi vì thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết của hiệp định vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng.
Đối với kịch bản thứ ba, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.
"Cũng có bộ, ngành thiên về phương án này, phương án kia, tuy nhiên nhìn chung không ai nói Nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Điều đáng nói, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dù Bộ Giao thông Vận tải đã có giải trình và đưa ra 3 phương án nói trên, song Thủ tướng vẫn yêu cầu phải rà lại toàn bộ để xem xét. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng quyết định.
"BOT Cai Lậy được đầu tư đúng quy định"
Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, do ngân sách không đủ để đầu tư hạ tầng giao thông nên phải huy động đầu tư xã hội hóa. Nếu bây giờ nhà nước lại cân đối tiền để bù cho nhà đầu tư thì cực kỳ khó khăn và tạo gánh nặng cho ngân sách. Hơn nữa, các cơ quan chức năng vào thanh tra, kiểm toán BOT Cai Lậy đều khẳng định tuân thủ quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, hiện cả nước có 6 trạm BOT tương tự Cai Lậy. Tuy nhiên, sau khi kiên trì giải thích và có sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì các trạm như Bến Thủy (Nghệ An), Đồng Nai... người dân đã đồng thuận; cơ quan quản lý nhà nước đã giảm phí, miễn phí cho người dân sống xung quanh trạm.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu; phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km.
Trạm thu phí hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.
Sáng 30/11, trạm thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, trong 5 ngày qua, đã có 24 lần trạm thu rồi lại xả do sự phản ứng từ tài xế.
Trước những phản ứng của dư luận và diễn biến của vụ việc ngày càng phức tạp, tối 4/12 Thủ tướng đã phải họp với các bộ ngành, địa phương và quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy từ 1-2 tháng để xem xét lại toàn bộ dự án này.