Ba lý do khiến giá dầu “bốc hơi” gần 11% trong 2 tuần
Điều đáng nói là sự sụt giảm đang diễn ra của giá dầu diễn ra trong một môi trường với những yếu tố hỗ trợ
Mới đây, giới giao dịch dầu lửa còn tranh luận về việc bao giờ thì giá dầu tăng lên mốc 100 USD/thùng. Chỉ sau một thời gian ngắn, chủ đề bàn luận đã thay đổi, trở thành: giá dầu có thể giảm sâu đến mức nào?
Theo hãng tin CNBC, điều đáng nói là sự sụt giảm đang diễn ra của giá dầu diễn ra trong một môi trường với những yếu tố hỗ trợ giá "vàng đen": Mỹ chuẩn bị tái áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), và căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arabia - quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới - leo thang xung quanh vụ nhà báo mất tích.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu thô WTI giao sau tại New York chạm mức thấp nhất 5 tuần 68,47 USD/thùng. Như vậy, giá dầu WTI đã giảm hơn 8 USD/thùng kể từ mức đỉnh của 4 năm 76,9 USD/thùng thiết lập hồi đầu tháng. Điều này có nghĩa là chỉ trong vòng 2 tuần, giá dầu WTI sụt 11%.
Cũng trong phiên ngày thứ Năm, giá dầu Brent có lúc giảm còn 78,69 USD/thùng, thấp hơn 8%, tương đương mức giảm 9,3%, so với mức đỉnh 4 năm 86,74 USD/thùng thiết lập hôm 3/10.
Trao đổi với CNBC, ông Matt Smith, Giám đốc công ty nghiên cứu hàng hóa cơ bản ClipperData, nói rằng có ba yếu tố khiến giá dầu giảm nhanh, giảm mạnh như vậy:
Thứ nhất, lượng dầu tồn kho của Mỹ đã tăng mạnh trong vòng 4 tuần qua, với tổng mức tăng 22,3 triệu thùng tính đến hết tuần trước. Đây là chuỗi 4 tuần tăng mạnh nhất của lượng dầu tồn kho ở Mỹ kể từ năm 2015 - thời điểm tồn kho dầu của Mỹ đạt đỉnh cao mọi thời đại trong bối cảnh thị trường thừa mứa dầu.
Thứ hai, việc giá dầu Brent tăng vọt qua mốc 86 USD/thùng cách đây hai tuần đã làm dấy lên những mối lo rằng giá dầu cao sẽ bắt đầu làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cơ bản này. Trong những tuần gần đây, OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi.
Và thứ ba, giá dầu đã bị "vạ lây" bởi đợt bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu vào tuần tới. Không chỉ tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cũng rút vốn mạnh khỏi những tài sản có độ rủi ro cao hơn, trong đó có dầu thô. Trong hai ngày bán tháo cổ phiếu mạnh nhất ở Phố Wall tuần trước, giá dầu thô giảm hơn 5%.
Cũng theo quan điểm của ông Smith, đợt tăng giá đầu tháng 10 của dầu thô chủ yếu là do nỗi lo về tác động của lệnh trừng phạt Mỹ đối với Iran. Các biện pháp trừng phạt của Washington đối với ngành dầu lửa Iran sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 4/11. Thị trường đến nay vẫn còn băn khoăn về khả năng của các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Nga trong việc bù đắp sự suy giảm nguồn dầu xuất khẩu Iran.
Theo một số ước tính, lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm 1-2 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, căng thẳng chính trị xung quanh việc Mỹ nghi ngờ chính quyền Saudi Arabia có dính líu đến vụ mất tích đầy bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi có vẻ như chưa tác động nhiều đến thị trường dầu.
Mặc dù vậy, đây vẫn là một yếu tố gây bấp bênh, bởi các nghị sỹ Mỹ đã tuyên bố Saudi Arabia có thể bị Washington áp các biện pháp trừng phạt nếu Riyadh bị phát hiện đứng sau vụ mất tích của ông Khashoggi. Ngày thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tuyên bố không tham dự hội nghị đầu tư ở Saudi Arabia.
Trong lúc Tổng thống Donald Trump trừng phạt Tehran, Mỹ rõ ràng phải dựa vào Saudi Arabia để bù đắp sự sụt giảm nguồn cung dầu từ Iran. Saudi Arabia hiện là một trong số ít những quốc gia sở hữu công suất khai thác dầu dự trữ có thể giúp kiềm chế đà tăng của giá dầu.
Saudi Arabia đã ngầm cảnh báo rằng nước này có thể dùng dầu lửa để làm vũ khí chống lại phương Tây nếu Riyadh bị gây sức ép thái quá trong vụ Khashoggi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng Riyadh cắt giảm sản lượng dầu và đẩy giá dầu lên cao vì vụ này là khó xảy ra.
"Làm như vậy sẽ đồng nghĩa với đi ngược lại chính sách và lập trường đã được khẳng định của họ đối với thị trường dầu lửa. Họ sẽ thiệt hại nhiều sẽ làm như vậy", ông John Kilduff, nhà sáng lập quỹ đầu cơ năng lượng Again Capital, phát biểu.
Ngoài Canada, không một quốc gia nào khác xuất khẩu nhiều dầu sang Mỹ hơn Saudi Araiba - ông Smith nhấn mạnh - và công ty dầu lửa quốc doanh khổng lồ Aramco của Saudi Arabia là chủ sở hữu của nhà máy lọc dầu lớn nhất bên bờ Vịnh Mexico của Mỹ. Vị chuyên gia cũng cho rằng cho dù có trừng phạt Saudi Arabia, các nghị sỹ Mỹ hoàn toàn có thể đưa ra các biện pháp sao cho không ảnh hưởng đến dòng chảy năng lượng.