08:59 20/07/2007

Bắc cực nóng lên vì cuộc đua tranh giành dầu lửa

Quốc Trung

Các nhà địa chất cho biết, có tới 1/4 trữ lượng dầu lửa và khí đốt chưa được phát hiện của thế giới nằm tại Bắc cực

Trong giới kinh doanh dầu lửa, Bắc Băng Dương đang trở thành một chủ đề nóng bỏng.
Trong giới kinh doanh dầu lửa, Bắc Băng Dương đang trở thành một chủ đề nóng bỏng.
Cuộc chạy đua tranh giành dầu lửa vùng Bắc cực giữa Nga, Mỹ và một số nước đang nóng lên, khi các nhà địa chất cho biết có tới 1/4 trữ lượng dầu lửa và khí đốt chưa được phát hiện của thế giới nằm tại khu vực này.

Lượng dầu mỏ và khí đốt này nằm giữa các lớp đá dưới Bắc Băng Dương, chúng vẫn thuộc diện “vô chủ” và chưa được thăm dò. Với tình trạng biến đổi khí hậu, các lớp băng ở Bắc cực đang tan chảy, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc thăm dò nguồn năng lượng này.

Hiện tại, các nhà khoa học Nga đang tích cực làm việc để chứng minh rằng chúng thuộc quyền sở hữu của nước Nga. Trong khi Mỹ không muốn mất nguồn lợi khổng lồ này.

Nga đang giành ưu thế

Trong giới kinh doanh dầu lửa, Bắc Băng Dương đang trở thành một chủ đề nóng bỏng. Nếu kết luận của các nhà địa chất Nga là đúng, nước Nga có thể bổ sung thêm tới 10 tỷ tấn dầu và khí đốt ở Bắc Băng Dương vào nguồn dự trữ của mình.

Tham vọng của Nga trong việc sử dụng nguồn năng lượng này được xem như một đòn bẩy chính trị chống phương Tây. Liên minh châu Âu vẫn cho rằng khối này đang ngày càng bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Đòi hỏi chủ quyền của Nga đối với Bắc Băng Dương bao gồm 463.222 dặm vuông đại dương, chạy dài từ Bắc cực đến vùng biển phía trên miền đông Xiberi và bán đảo Chukotka của Nga. Vùng biển này nằm ngoài khu vực thuộc quyền tài phán kinh tế của Nga mà “Hiệp ước về luật biển” xác định là vùng biển nằm trong phạm vi 200 dặm tính từ bờ biển mỗi nước.

Tuy nhiên, đứng về mặt địa chất, Nga có thể chứng minh rằng thềm lục địa của họ trải dài ra ngoài giới hạn 200 dặm ấy, và họ có thể đòi quyền tài phán về kinh tế đối với vùng biển đó.

Một uỷ ban quốc tế xem xét lại việc vận dụng điều khoản này đã bác bỏ đòi hỏi ban đầu của Nga, song các chuyên gia Nga đã soạn thảo một phương án thứ hai. 30 nhà khoa học thuộc Viện Địa chất Nga hiện đang có các cuộc thăm dò địa chấn nhằm xác định cấu tạo địa chất của vùng thềm lục địa ở đây.

Mỹ lo bị chậm chân

Trong số 5 nước có bờ biển tiếp giáp với Bắc Băng Dương - Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Mỹ, chỉ có Mỹ chưa phê chuẩn “Hiệp ước về luật biển”.

Canada và Đan Mạch đang cùng nhau đưa ra đề nghị cho rằng mũi Lomolosov không thuộc về dải lục địa Xiberi, mà thuộc về các mảng lục địa Greenland thuộc Canada. John Norton Moore, Đại sứ Mỹ tham gia các cuộc thương lượng về luật biển trong thời kỳ chính quyền Nixon và Ford nói, Mỹ có thể sẽ bị gạt ra ngoài rìa nếu không phê chuẩn hiệp ước này.

Các chuyên gia cho biết, sau năm 2016, sản lượng dầu của thế giới sẽ giảm sút ghê gớm. Việc Nga nóng lòng muốn giành quyền sở hữu nguồn năng lượng tại Bắc Băng Dương đang gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ.

Họ cho rằng Mỹ không có khả năng can thiệp khi Mỹ vẫn đứng ngoài cuộc tranh cãi kéo dài 13 năm nay liên quan đến việc phê chuẩn một Hiệp ước của Liên hiệp quốc liên quan đến các quyền quốc tế về biển.

Văn kiện có tên gọi chính thức là “Hiệp ước về luật biển” này được nhiều nước coi là phương tiện sơ đẳng của thế giới nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp về quyền khai thác và về các tuyến đường giao thông trên vùng biển quốc tế. Nga và 152 nước khác đã phê chuẩn hiệp ước này.

Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ phản đối “Hiệp ước về luật biển” và đã ngăn cản việc phê chuẩn nó tại Quốc hội Mỹ từ năm 1994 với lý do là đã dành quá nhiều quyền lực cho Liên hiệp quốc.

Những người ủng hộ việc ký hiệp ước này cho rằng nếu Mỹ không phê chuẩn thì nỗ lực của Nga nhằm giành giật nguồn tài nguyên tại Bắc cực sẽ không bị ai thách thức.

Thượng nghị sỹ Richard Lugar thuộc Đảng Cộng hoà ở bang Indiana nhấn mạnh, theo các điều khoản của hiệp ước, Nga đã đưa ra những đòi hỏi về chủ quyền đối với các vùng biển ở Bắc Băng Dương, với hy vọng có thể khai thác các mỏ dầu và hơi đốt đầy tiềm năng tại đây khi mà tình trạng biến đối khí hậu làm tan chảy các lớp băng ở Bắc cực, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc khai thác mỏ.

Ông nói: “Trừ khi Mỹ phê chuẩn hiệp ước này, bằng không Nga sẽ có thể thúc đẩy nỗ lực đòi hỏi chủ quyền của họ mà không có Mỹ trên bàn đàm phán”.