10:50 20/10/2008

Bán đấu giá tài sản sắp có cơ chế pháp lý mới

Công Lý

Bộ Tư pháp đã lên chương trình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản

Kể từ khi định hình, hoạt động bán đấu giá tài sản ở nước ta đến nay vẫn bị đánh giá là yếu, chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu minh bạch. Đã có quá nhiều trường hợp dàn xếp, thông đồng trong việc bán đấu giá tài sản - Ảnh minh họa.
Kể từ khi định hình, hoạt động bán đấu giá tài sản ở nước ta đến nay vẫn bị đánh giá là yếu, chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu minh bạch. Đã có quá nhiều trường hợp dàn xếp, thông đồng trong việc bán đấu giá tài sản - Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện cả nước có 373 đấu giá viên hoạt động tại 62 trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 56 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này.

Điều đó cho thấy ngành nghề bán đấu giá tài sản đang phát triển nhanh ở nước ta.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, sau khi Chính phủ quyết định giao cho Bộ Tư pháp quản lý thống nhất về lĩnh vực bán đấu giá tài sản trong cả nước, Bộ đã lên chương trình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Việc thay thế này nhằm hạn chế những điểm còn hạn chế vốn dĩ chưa phát sinh trước khi xây dựng Nghị định 05.

Những hạn chế về pháp lý

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), từ khi Nghị định 05 về bán đấu giá tài sản ra đời đến nay đã 3 năm nhưng chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí nhiều quy định bất hợp lí so với thực tế.

Kể từ khi định hình, hoạt động bán đấu giá tài sản ở nước ta đến nay vẫn bị đánh giá là yếu, chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu minh bạch. Đã có quá nhiều trường hợp dàn xếp, thông đồng trong việc bán đấu giá tài sản.

Hoạt động bán đấu giá tài sản hiện nay cũng trở nên khó quản lý, doanh nghiệp nào cũng có thể đăng ký thêm ngành nghề bán đấu giá nhưng chỉ đăng ký rồi để đấy. Các trung tâm bán đấu giá của sở tư pháp chỉ có một đến hai đấu giá viên nhưng nhiều khi không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhiều nơi chỉ tổ chức bán đấu giá những tài sản thi hành án, người dân chưa quen đưa tài sản đến các trung tâm đấu giá để bán.

Bên cạnh đó, khi rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan đến bán đấu giá thì thấy sự thiếu thống nhất trong việc hướng dẫn trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản. Một trong những khó khăn nhất hay gặp phải là việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng bán đấu giá tài sản cầm cố, các khoản nợ do thủ tục pháp lý để đưa loại tài sản này ra bán đấu giá quá phức tạp.

Thêm một khó khăn cho hoạt động bán đấu giá tài sản hiện nay là việc áp dụng các trình tự thủ tục để đưa tài sản ra đấu giá còn những điểm vênh nhau, nhất là loại tài sản bắt buộc phải bán đấu giá như tài sản thi hành án, tài sản thu từ các vi phạm hành chính...

Rồi những tranh chấp phát sinh đối với bên mua tài sản đấu giá khi xuất hiện bên liên quan đến tài sản mà trong quá trình đưa tài sản ra đấu giá cơ quan chức năng không xác minh rõ.

Những thiệt hại này chưa được đề cập đến trong các văn bản pháp luật điều chỉnh về bán đấu giá tài sản, trong dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 05 cần đưa vào.

Theo nhiều ý kiến, nếu có những thiệt hại xảy ra đối với bên mua tài sản qua đấu giá mà lỗi không thuộc về bên mua thì phải được bồi thường.

Trong thực tế đã xảy ra trường hợp người mua tài sản thi hành án qua đấu giá nhưng đây lại là tài sản chưa được đảm bảo nên người mua không nhận được tài sản dù họ đã thanh toán tiền ngay sau phiên đấu giá.

Tại Nghị định 05, những chế tài áp dụng cho các hành vi vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản còn quy định một cách chung chung, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động bán đấu giá. Các quy định đối với hành vi thông đồng, dìm giá tài sản giữa các bên tham gia mua tài sản đấu giá cần chặt hơn và các trung tâm, doanh nghiệp tổ chức bán đấu giá tài sản phải có trách nhiệm giám sát việc này.

Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu thông đồng, dìm giá tài sản phải dừng cuộc đấu giá tránh thiệt hại cho bên bán.

Sẽ không còn chuyện thông đồng, dìm giá

Có ý kiến cho rằng khi xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 05 cần phải phân biệt đâu là loại tài sản phải đưa đến trung tâm bán đấu giá của sở tư pháp, đâu là loại tài sản mà các doanh nghiệp hoạt động bán đấu giá được phép tổ chức bán. Việc phân loại này sẽ giúp cho việc quản lý Nhà nước hoạt động bán đấu giá tài sản tốt hơn, nhất là quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề bán đấu giá.

Có ý kiến lại cho rằng không nên quy định phân loại tài sản nào được bán đấu giá ở trung tâm hay bán ở doanh nghiệp. Đã có chức năng tổ chức bán đấu giá tài sản thì phải được tổ chức bán đấu giá tất cả các loại tài sản theo quy định. Quan trọng là đưa ra được những quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục tổ chức bán đấu giá. Cũng cần quy định rõ loại tài sản nào bắt buộc phải đem ra bán đấu giá như tài sản thu từ các vi phạm hành chính, tài sản thi hành án, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước...

Theo Ban soạn thảo, nghị định mới sẽ quy định chặt chẽ về nghĩa vụ của các trung tâm và doanh nghiệp bán đấu giá. Đây sẽ là chế tài để quản lý hoạt động của các trung tâm, doanh nghiệp, nếu vi phạm gây thiệt hại cho bên bán hoặc bên mua sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.

Trong trường hợp phát hiện có sự thông đồng dìm giá giữa trung tâm, doanh nghiệp tổ chức bán đấu giá với bên mua thì phải được xử lý, bồi hoàn thiệt hại cho bên bán và bên mua tài sản. Những quy định này sẽ đảm bảo hiệu quả của hoạt động bán đấu giá, hạn chế được việc thông đồng, dàn xếp giá giữa các bên tham gia mua trong các cuộc bán đấu giá.