13:22 07/10/2019

Báo điện tử bị phản ánh thông tin sai sự thật nhiều nhất

Nguyễn Lê

Bộ Thông tin và truyền thông vừa có báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn

Báo chí đăng tải thông tin trên mạng không kiểm chứng được nhìn nhận là một trong những hạn chế trong hoạt động báo chí.
Báo chí đăng tải thông tin trên mạng không kiểm chứng được nhìn nhận là một trong những hạn chế trong hoạt động báo chí.

Bộ Thông tin và truyền thông vừa có báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất  vấn.

Việc thực hiện Luật Báo chí, Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản là một trong những nội dung tại báo cáo này.

Không để tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử

Theo báo cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bộ cũng đã có văn bản đôn đốc các cơ quan báo chí được xây dựng mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện khẩn trương xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (thời gian hoàn thành: trước 2020).

 Việc nữa Bộ đã làm là có văn bản yêu cầu các tổng biên tập tạp chí điện tử và cơ quan chủ quản tạp chí điện tử rà soát, chỉ đạo tạp chí điện tử thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, không để tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, làm việc trực tiếp với gần 30 cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí thuộc các tổ chức trung ương để hướng dẫn thủ tục, hồ sơ thực hiện theo quy hoạch.

 Xem xét hồ sơ của cơ quan báo chí đề nghị chuyển đổi từ báo sang tạp chí, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí theo đề nghị của cơ quan chủ quản khi thực hiện quy hoạch báo chí cũng đã được Bộ thực hiện.

Công tác quản lý nhà nước về báo chí ngày càng chủ động, bám sát hơn với thực tế đời sống, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh việc tổ chức, quản lý thông tin tốt, Bộ Thông tin và truyền thông vẫn thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí điện tử, nhằm hạn chế tình trạng "báo hóa" các tạp chí. Qua đó xử lý nghiêm các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, xử lý nghiêm nhiều vụ việc báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, uy tín danh dự của cá nhân.

Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 10/5/2019, cơ quan chức năng của Bộ đã xử phạt 37 trường hợp thông tin sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác và quảng cảo không phù hợp nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận với tổng số tiền 617,5 triệu đồng; 9 trường hợp thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí với tổng số tiền 245 triệu đồng.

Năm 2018, Bộ đã tiếp nhận gần 300 đơn thư, khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức với nội dung phản ánh chủ yếu là thông tin sai sự thật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Báo điện tử là loại hình báo chí bị phản ánh nhiều nhất, chiếm đa số.

Từ tháng 9/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập đường dây nóng Cục Báo chí để tiếp nhận thông tin phản ánh về hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí (thậm chí giả mạo nhà báo) để sách nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi. 

Từ 1/1/2019 đến 17/9/2019, đường dây nóng Cục Báo chí đã nhận được 1.409 cuộc điện thoại, 116 email gửi tới. Qua đó đã hướng dẫn, trả lời cho các cá nhân, tổ chức và chủ động ngăn chặn, có biện pháp xử lý hành vi vi phạm. Nhiều thông tin từ đường dây nóng được thông báo cho lãnh đạo cơ quan báo chí để quản lý phóng viên, đồng thời rút kinh nghiệm trong giao ban báo chí hàng tuần và được cung cấp cho Hội Nhà báo Việt Nam để xem xét, xử lý về đạo đức nghề nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Báo cáo cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế ở lĩnh vực này, như vẫn còn hiện tượng báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân. Nguyên nhân là do nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ còn một số bất cập, chưa đủ sức răn đe. Một số hành vi vi phạm quy định trong Luật Báo chí chưa có chế tài để xử lý như thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em…

Hạn chế nữa là báo chí đăng tải thông tin trên mạng không kiểm chứng, xảy ra những trường hợp cơ quan báo chí do sức ép chạy đua thời gian, đã khai thác thông tin từ mạng xã hội, thiếu cân nhắc, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình xuất bản dẫn tới thông tin không chính xác, thiếu nhạy cảm chính trị. Nguyên nhân do phóng viên không tuân thủ quy trình hoạt động báo chí, chưa có quy định trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nhiều lần.

Ngoài ra vẫn còn tình trạng phóng viên sách nhiễu doanh nghiệp, đánh hội đồng.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ sớm ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP) để có hành lang pháp lý đủ mạnh xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về tôn chỉ, mục đích, báo hóa tạp chí (trong đó có quyết định đình bản 1 - 12 tháng).

Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí khi để xảy ra nhiều sai phạm, đặc biệt, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan nội dung thông tin trên báo chí, đặc biệt thông tin sai sự thật do lấy từ mạng xã hội không kiểm chứng, không tuân thủ quy trình hoạt động báo chí.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc quản lý phóng viên, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý phóng viên, cộng tác viên báo chí,  Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Báo chí năm 2016, trong đó, phân định rõ khái niệm báo điện tử và tạp chí điện tử cũng là giải pháp được nêu tại báo cáo.