16:06 04/04/2019

Bảo hiểm tiền gửi: “Người hùng thầm lặng” sau thành công của Quỹ tín dụng nhân dân

Ngô Huy

Quỹ tín dụng nhân dân đang là một mô hình tài chính tăng trưởng tốt đối với các tỉnh thành, người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Tương Giang đang là một trong những Quỹ phát triển mạnh nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tương Giang đang là một trong những Quỹ phát triển mạnh nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Quỹ tín dụng nhân dân đang là một mô hình tài chính tăng trưởng tốt đối với các tỉnh thành, người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cùng với sự hỗ trợ của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, các Quỹ tín dụng nhân dân đang phát huy hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.

Nhìn từ "hiện tượng Bắc Ninh"

Với những ưu thế của một loại hình tín dụng đặc thù, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ các hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tới người dân đã góp phần củng cố niềm tin, xóa bỏ định kiến tiêu cực về sự đổ vỡ của các hợp tác xã tín dụng trước đây.

Từ đó, Quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục là một trong những kênh tín dụng quan trọng đáp ứng kịp thời, hiệu quả nguồn vốn cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phát huy hiệu quả, trong đó các Quỹ tín dụng nhân dân từng bước được nâng cao năng lực tài chính. Điều này thể hiện rõ khi nguồn vốn của 26 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn tiếp tục ổn định và tăng trưởng.

Tính đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đạt hơn 2.876 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 1.952 tỷ đồng, tăng 7,67% so với cuối năm 2017. Hầu hết các Quỹ tín dụng nhân cơ sở thực hiện nghiêm túc tỷ lệ an toàn trong hoạt động. Quy mô tiếp tục tăng trưởng, nợ xấu thấp hơn giới hạn cho phép, chấp hành nghiêm túc việc điều hành lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Như Đôn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh - một phần nhờ có sự song hành của bảo hiểm tiền gửi trong việc tuyên truyền chính sách tới người dân, nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Ông Đôn khẳng định, chính sách bảo hiểm tiền gửi có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đến nay, hầu hết các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã vượt qua những khó khăn ban đầu, hoạt động có hiệu quả, bảo đảm được khả năng thanh khoản. Một số Quỹ vươn lên mở rộng quy mô, địa bàn, hoạt động hiệu quả và phục vụ các thành viên tốt hơn. Nổi bật như các quỹ tín dụng nhân dân Tương Giang, Đình Bảng, Trang Hạ, Châu Khê (thị xã Từ Sơn), Võ Cường, Đại Phúc, Vạn An (thành phố Bắc Ninh); thị trấn Hồ, An Bình (Thuận Thành)… vốn huy động, dư nợ và lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước.

Vun đắp niềm tin

Được thành lập năm 1996, sau 22 năm hoạt động, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, sự song hành của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn vươn lên phát triển toàn diện.

Theo Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Lim, ông Nguyễn Đình Thanh, để hoạt động của Quỹ phát huy hiệu quả, một phần nhờ vào sự đồng hành của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua các hoạt động giám sát, kiểm tra, thu phí… Sự giúp đỡ về nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi giúp hạn chế rủi ro trong hoạt động, gia tăng uy tín cho Quỹ. Không chỉ vậy, Bảo hiểm tiền gửi còn tuyên truyền tới đông đảo người dân, giúp người dân tin tưởng vào hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

"Việc tuyên truyền chính sách không chỉ giúp người gửi tiền tin tưởng và an tâm khi xảy ra tin đồn thất thiệt, mà bản thân Quỹ cũng tự tin hơn trong quá trình hoạt động. Chúng tôi mong muốn mỗi cán bộ của Quỹ sẽ là một tuyên truyền viên về chính sách bảo hiểm tiền gửi", ông Thanh nói.

Gia đình ông Nguyễn Đình Lạc, thôn Lũng Sơn là hộ vay vốn của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Lim trong nhiều năm để đầu tư sản xuất và kinh doanh đồ gỗ. Bình quân mỗi năm tổng doanh thu cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ của gia đình ông đạt 3-5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Hiện mỗi khi có vốn nhàn rỗi, gia đình ông Lạc lại gửi vào Quỹ tín dụng nhân dân.

"Với tôi, hạn mức từ 50 triệu đồng tăng lên tới 75 triệu đồng là rất đáng mừng. Chúng tôi gửi tiền xuất phát từ sự tin tưởng vào các Quỹ tín dụng nhân dân, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước chứ không mong Quỹ đổ vỡ để được bảo hiểm", ông Lạc nói.

Tại Quỹ tín dụng nhân dân Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi được niêm yết ở nơi dễ thấy nhất tại quầy giao dịch để người gửi tiền được biết. Bên cạnh đó, khi nhận tiền gửi, cán bộ Quỹ cũng giải thích cho bà con về chính sách bảo hiểm tiền gửi.

"Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiềng gửi của Quỹ với cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đã góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, người dân không còn tâm lý e ngại khi gửi những khoản tiền tích lũy vào Quỹ. Hay nói cách khác, với sự đồng hành của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, công tác huy động vốn của Quỹ ngày càng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành viên để phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở nông thôn", ông Đoàn Ngọc Sơn, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Tương Giang chia sẻ.

Những điều ông Đoàn Ngọc Sơn nói được minh chứng bằng những con số cụ thể: Tính đến thời điểm 30/6/2018, tổng nguồn vốn của Quỹ tín dụng nhân dân Tương Giang đạt 426 tỷ đồng, trong đó vốn huy động tiền gửi tiết kiệm là 385 tỷ đồng. Tương Giang đang là một trong những Quỹ phát triển mạnh nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.