14:09 19/02/2019

Bảo hiểm Tiền gửi: Thành công 2018 là động lực chinh phục nấc thang mới 2019

Hiền Anh

Năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi đặc biệt thành công trong việc thu phí với các tổ chức tham gia, tổng số phí thực thu là hơn 6.600 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 13% so với năm 2017

Kết quả đạt được của năm 2018 là động lực quan trọng để toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra của năm 2019.
Kết quả đạt được của năm 2018 là động lực quan trọng để toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra của năm 2019.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khẳng định trong năm 2018 không phát sinh việc chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền do các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi nói chung vẫn hoạt động an toàn, ổn định.

"Kết quả đạt được của năm 2018 là động lực quan trọng để toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra của năm 2019; từ đó, xây dựng tổ chức bảo hiểm tiền gửi vững mạnh, hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đóng góp vào sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng quốc gia", Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định.

Cụ thể, năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã hoàn thành cấp mới 8 Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi, cấp lại 12 Chứng nhận và 437 bản sao Chứng nhận cho các Tổ chức tín dụng; thu hồi 1 hứng nhận; cập nhật thay đổi thông tin 723 Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi. Công tác cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia thực hiện kịp thời, đúng quy định khẳng định vai trò, vị thế của Bảo hiểm tiền gửi và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.

Năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi đặc biệt thành công trong việc thu phí với các tổ chức tham gia, tổng số phí thực thu là hơn 6.600 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch, tăng 13% so với năm 2017.

Tổ chức này cũng chú trọng thực hiện đúng quy định, an toàn và hiệu quả công tác quản lý và đầu tư nguồn vốn để tăng cường quỹ dự phòng nghiệp vụ và phát triển nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính. Hầu hết lượng vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ một cách minh bạch và an toàn.

Tính đến ngày 31/12/2018, Bảo hiểm tiền gửi đã hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với hơn 350 tổ chức gồm ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân, đạt 100,6% kế hoạch năm 2018 . Bảo hiểm tiền gửi tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi, phối hợp triển khai hiệu quả việc cung cấp thông tin với Ngân hàng nhà nước.

Trên cơ sở thành tựu của năm 2018, hướng tới các chuẩn mực quốc tế để bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đề ra 18 nhóm nhiệm vụ năm 2019, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và bảo vệ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra về tiền gửi được bảo hiểm, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai hiệu quả Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm; tăng cường phối hợp giữa Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam với Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng trong việc kiểm tra và xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém trước.

Nâng cao hiệu quả công tác chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền thông qua việc xây dựng kế hoạch dự phòng chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả nhằm rút ngắn thời gian chi trả, đảm bảo chính xác, kịp thời.

Nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định; đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn; triển khai thực hiện phương án mua trái phiếu dài hạn của Tổ chức tín dụng hỗ trợ sau khi có ý kiến cụ thể của Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các Tổ chức tín dụng.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến công chúng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi.

Hoàn thành tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi trong nội bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi phù hợp với tình hình mới và thông lệ các nước. Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 báo cáo Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là các Quỹ tín dụng yếu kém. Tham gia tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước.

Phát triển nguồn lực phù hợp với xu thế phát triển với trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.