06:00 11/06/2024

Bất cập trong hợp tác công – tư nghiên cứu giống lúa

Chu Khôi

Trong nhiều đề tài nghiên cứu giống lúa do các viện nghiên cứu công lập thực hiện, dù doanh nghiệp góp vốn 30 - 40% thì sau khi thành công sẽ vẫn là tài sản công, doanh nghiệp không có quyền được sở hữu để tự định đoạt, chuyển nhượng. Nếu muốn sử dụng các giống lúa này thì phải mua quyền sử dụng từ Nhà nước…

Nhiều giống lúa được chọn tạo thành công nhờ sự liên kết giữa Viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Nhiều giống lúa được chọn tạo thành công nhờ sự liên kết giữa Viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ tháng 6/2014 đến 31/12/2019 đã có 119 giống lúa được công nhận giống quốc gia, hiện vẫn đang được thương mại hóa ra sản xuất. Từ năm 2020 đến tháng 5/2024, có tổng cộng 267 giống lúa được công nhận theo Luật Trồng trọt. Nhờ vậy, Việt Nam đã xây dựng nên bộ giống lúa hàng đầu thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và sản lượng xuất khẩu gạo hàng năm dù diện tích trồng lúa chỉ dao động quanh mức 3,9 triệu ha.

THIẾU HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

Cục Trồng trọt cho biết Việt Nam đang có bộ giống lúa hội đủ các tiêu chí: ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, chất lượng tốt. Những tiến bộ khoa học này đem lại kết quả về giống đã trở thành các giải pháp mềm để bố trí thời vụ, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời với sự dịch chuyển bộ giống lúa chất lượng cao, giá gạo của Việt Nam hiện đã thuộc top đầu thế giới.

Bên cạnh đó, việc hợp tác công - tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa cũng ngày một phát triển. Nhiều giống lúa của các viện nghiên cứu đã được chuyển nhượng, chuyển giao cho doanh nghiệp, từ đó nhanh chóng được thương mại hóa ra sản xuất.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), cho biết doanh nghiệp là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu với thị trường, doanh nghiệp là “hơi thở” của thị trường. Nếu không có doanh nghiệp thì chắc chắn các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu khó có thể chuyển giao được các tiến bộ khoa học ra thực tế.

Ví dụ, hai giống lúa của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chọn tạo đang chiếm thị phần rất lớn là OM18, OM5451 chính là nhờ hợp tác chuyển giao cho Tập đoàn Lộc Trời, với diện tích gieo trồng khoảng 40%. Giống lúa Đài thơm 8 của Vinaseed có năm chiếm đến 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

“Điều này không chỉ vì đó là những giống lúa tốt, mà còn có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp. Đó là sự hợp tác công - tư với mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, tạo ra sự kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu công lập với doanh nghiệp, với hơi thở thị trường”, bà Liên nhận định,

 

"Đó là một rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp và cả các viện nghiên cứu. Các viện có thể vẫn thu tiền cho ngân sách nhà nước, vẫn nộp tiền vào quỹ đầu tư phát triển, vẫn nộp thuế, nhưng vẫn có thể sai, vì không có hướng dẫn cho việc các doanh nghiệp tài trợ tiền cho các Viện để thực hiện đề tài nghiên cứu giống cây trồng". 

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam.

Tới thời điểm này, Vinaseed cũng tham gia tài trợ cho các viện nghiên cứu bằng các hình thức hợp tác công - tư, tham gia các dự án về khoa học công nghệ. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, trong nhiều đề tài nghiên cứu khoa học do các viện nghiên cứu công lập thực hiện, dù doanh nghiệp góp vốn 30-40% cho quá trình nghiên cứu thì giống lúa sau khi nghiên cứu thành công sẽ vẫn là tài sản công, doanh nghiệp không có quyền được sở hữu để tự định đoạt, chuyển nhượng.

Trên thực tế, mặc dù Vinaseed cùng với các viện rất mạnh dạn trong vấn đề hợp tác, nhưng tất cả đều chỉ đang dựa trên pháp luật dân sự điều chỉnh, theo ý chí của các bên hợp tác với nhau, thỏa thuận với nhau là xong. Điều đó có nghĩa là không có hành lang pháp lý thống nhất nào của cơ quan Nhà nước. Trong khi theo quy định tại Điều 52 của Luật Chuyển giao công nghệ, đối với các sản phẩm, kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp thì trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ban hành danh mục giống, sản phẩm, quy trình công nghệ cũng như trình tự, thủ tục chuyển giao, công nhận.

Tuy nhiên, theo bà Liên, cho đến nay vẫn chưa có, như vậy khó khăn lớn nhất để thực hiện các giao dịch dân sự với các viện, đảm bảo các doanh nghiệp, các viện tuân thủ quy định của pháp luật là thiếu hành lang pháp lý. Đặc biệt từ năm 2018, khi có Nghị định 70/2018/NĐ-CP đi kèm với đó là Thông tư 63 của Bộ Tài chính, hướng dẫn Nghị định 70 về mặt tài chính và Thông tư 02/2020 của Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 41 Nghị định 70 thì các viện đang bị vướng.

“Nếu doanh nghiệp muốn mua đứt bán đoạn, đầu tư vốn tham gia nghiên cứu để được đứng tên sở hữu các giống thì chỉ có thể thực hiện được từ năm 2018 trở về trước. Từ đó đến nay, không viện nào còn dám ký chuyển nhượng cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có góp vốn vào tham gia dự án”, Chủ tịch HĐQT Vinaseed phản ánh thực tế.

Nguyên nhân là do Nghị định 70 đang quy định tất cả các tài sản công khi thực hiện phải xác định giá trị còn lại hoặc giá thị trường, cùng với lợi nhuận và nhiều chi tiết khác để định giá. Điều này khiến các viện rất lúng túng, do đó, từ năm 2018 đến nay chỉ còn một hình thức là chuyển giao quyền kinh doanh cho các đơn vị, các doanh nghiệp nhận chuyển giao phải trả tiền mua bản quyền giống.

Theo Chủ tịch Vinaseed, rủi ro ở đây là chưa có hành lang pháp lý hướng dẫn cho các viện về trình tự thủ tục chuyển nhượng thế nào, phải thực hiện trả giá công khai hay đấu giá ra sao? Nếu chỉ là thỏa thuận, mặc cả thông thường, thì bất cứ cơ quan tài chính, thuế nào khi kiểm toán đều có thể hỏi cơ sở nào để định giá, như vậy rất dễ bị sai và phải hủy hợp đồng. 

CẦN XÂY DỰNG CÁC HÌNH THỨC HỢP TÁC CÔNG - TƯ

Từ thực tế trên, Chủ tịch Vinaseed đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành danh mục về giống, sản phẩm, quy trình công nghệ cũng như trình tự, thủ tục chuyển giao, công nhận cho các đơn vị. Từ danh mục này, các doanh nghiệp sẽ biết và có hướng dẫn về trình tự, thủ tục phù hợp để có thể hợp tác, chuyển giao và thương mại hóa các giống tốt trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước sớm có hướng dẫn về hợp tác công tư để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2014 – 2023, trên cả nước ghi nhận số giống được bảo hộ có 50% là do doanh nghiệp nghiên cứu chọn tạo, 34% do các viện nghiên cứu, các trường đại học có 4%, nông dân làm giống là 3%, các cá nhân 5% và các nhà khoa học đã nghỉ hưu là 4%. Kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân đã tham gia rất sâu, rộng vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ về giống cây trồng. Nhờ đó, Việt Nam đang sở hữu một bộ giống lúa thuộc hàng nhất nhì trên thế giới...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2024 phát hành ngày 10/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Bất cập trong hợp tác công – tư nghiên cứu giống lúa - Ảnh 1