09:00 14/10/2019

Bát nháo quảng cáo thực phẩm chức năng

MỸ PHƯƠNG

Người tiêu dùng trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng nên tìm hiểu thông tin trên các cơ quan chính thống (Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam khuyên người tiêu dùng trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng nên tìm hiểu thông tin trên các cơ quan chính thống (Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm), xem thương hiệu sản phẩm đó của công ty nào; có uy tín trên thị trường hay không; nhà sản xuất có đạt tiêu chuẩn GMP không... 

Tại Việt Nam hiện có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Số tiền, số doanh nghiệp bị xử phạt do sai phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng ngày càng tăng. 9 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xử phạt số tiền hơn 46 tỷ đồng, trong đó riêng Cục An toàn thực phẩm xử phạt hơn 3,1 tỷ đồng.

Vì lợi nhuận, sẵn sàng lừa người tiêu dùng 

Các sản phẩm thực phẩm chức năng được bán ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, shop online, trên website hoặc mạng xã hội chứng tỏ người tiêu dùng rất quan tâm đến sản phẩm này. 

Cùng với đó, cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo các mặt hàng này như: quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý thẩm định nội dung; quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật. 

Sản xuất không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm. Ghi nhãn không đúng với các quy định của pháp luật, sản xuất khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc sản xuất ở nơi không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Trong thời gian gần đây, trên Webside của Cục An toàn thực phẩm liên tiếp đăng tải các thông tin cảnh báo người dân cần cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Gần đây nhất là cảnh báo về các sản phẩm xương khớp MH, Hyra gan, mầm đậu nành Lady, Kim liệu Khang, Sắc Xuân Eva. 

Cụ thể, trên trang: http://sinhlynugioieva.blogspot.com/2017/09/sac-xuan-eva-vien-uong-can-bang-noi-tiet-to-nu.html; http://tuvansuckhoe365.com/sac-xuan-eva-can-bang-noi-tiet-to-nu/; http://i-newway.com/hyra-gan-giai-phap-toi-uu-cho-la-gan-cua-ban/; https://www.facebook.com/pg/mamdaunanhladysamtonumaca/about/; http://hungchuasoithan.bloogsuckhoe.com/;https://abuysell.com/product/giam-can-beauty-meta/; kimlieukhang.com có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xương khớp MH; Hyra gan; Mầm đậu nành Lady, Kim liệu khang, Sắc Xuân Eva vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. 

Sản phẩm này được Công ty TNHH Thương Mại AHO, (Địa chỉ: Ô đất A9- Lô 188 Khu tái định cư X3, Phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. 

Cục An toàn thực phẩm đã mời Công ty lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe xương khớp MH; Hyra gan; Mầm đậu nành Lady, Kim liệu khang, Sắc Xuân Eva đang quảng cáo trên website: http://sinhlynugioieva.blogspot.com/2017/09/sac-xuan-eva-vien-uong-can-bang-noi-tiet-to-nu.html; http://tuvansuckhoe365.com/sac-xuan-eva-can-bang-noi-tiet-to-nu/; http://i-newway.com/hyra-gan-giai-phap-toi-uu-cho-la-gan-cua-ban/; https://www.facebook.com/pg/mamdaunanhladysamtonumaca/about/; http://hungchuasoithan.bloogsuckhoe.com/;https://abuysell.com/product/giam-can-beauty-meta; kimlieukhang.com không phải do Công ty TNHH Thương Mại AHO thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng và sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. 

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. 

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe xương khớp MH; Hyra gan; Mầm đậu nành Lady, Kim liệu khang, Sắc Xuân Eva trên trang website/internet nêu trên.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Việc lừa dối quảng cáo thực thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh; hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, mới quay lại bệnh viện, khi đó, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không có hiệu quả cao.

Theo quy định pháp luật vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115 NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm thay cho Nghị định 178 trước đây. Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. 

Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong cũng thừa nhận, khi xử lý vi phạm về quảng cáo, thực tế cũng có trường hợp doanh nghiệp đó không đứng ra quảng cáo, mà những người làm đại lý của họ đứng ra để làm thủ tục quảng cáo. Chính vì vậy, nếu xử lý doanh nghiệp thì không đúng với đối tượng vi phạm. 

"Lúc đó, chúng tôi phải công bố trên trang website của Cục An toàn thực phẩm về tên sản phẩm đang vi phạm, địa chỉ trang website đang vi phạm, nội dung vi phạm. Đồng thời thông báo nội dung này sang Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm đang quảng cáo tại trang website đó", ông Phong nhấn mạnh.

Người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm cho biết thêm: "Nhiều doanh nghiệp sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và truyền thông đã buộc phải tháo gỡ, và bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Nhưng cũng có những trang website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên Facebook. Chúng tôi đã có hai buổi làm việc với đại diện Facebook cùng với Bộ Thông tin và truyền thông. Hiện tại, phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm".