Bộ Nông nghiệp và Môi trường gấp rút sửa đổi hai Luật để phù hợp với tình hình mới
Để nhanh chóng thích ứng với phân cấp quản lý nhà nước trong mô hình chính quyền 2 cấp ở địa phương, Luật trồng trọt và Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường gấp rút sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời tháo gỡ những vấn đề bất cập của Luật hiện hành…

Ngày 9/5/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung chủ trì cuộc họp với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Vụ Pháp chế để rà soát, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Nội dung dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới đây.
NHIỀU QUY ĐỊNH ĐÃ LỖI THỜI, BẤT CẬP
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết Luật Trồng trọt hiện hành được ban hành năm 2018, được Quốc hội thông qua tại Quyết định 31/2018/QH14, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thông qua vào năm 2013 tại Quyết định số 41/2013/QH13 của Quốc hội. Đến nay, cả hai Luật này đã có những quy định đã lỗi thời, bộc lộ những bất cập, vướng mắc gây bức xúc với nông dân và doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Do đó, việc sửa Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đang gấp rút thực hiện.
Đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Trồng trọt, bà Hiên cho rằng cần phải sửa Điều 64 của Luật này. Luật hiện hành nêu rõ: Nhà nước có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng mã số vùng trồng, hướng tới minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, các mã số này được xây dựng trên tinh thần tự nguyện. Dẫn đến, đơn vị nào thích làm mã số vùng trồng thì làm, ai không làm cũng được, khiến sản phẩm nông sản vẫn nhập nhằng, bát nháo về nguồn gốc.
"Nghị định và Thông tư mới, về bản chất là văn bản sửa đổi, tích hợp nhiều Nghị định, Thông tư hiện hành, hướng tới chuyển giao 17 nhiệm vụ chính trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật. Đây là định hướng phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương”.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
"Trong đề xuất sửa đổi, cần bổ sung mã số cơ sở đóng gói, bởi đây là điều kiện bắt buộc của quốc tế nếu Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản", bà Hiên đề xuất; đồng thời cho rằng từ ngày 1/4/2025, các bộ, ngành được phép ban hành thủ tục hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần chủ động trong vấn đề cấp mã số, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết do thời gian rất gấp rút, nên việc soạn thảo các Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật sẽ tiến hành song song với soạn thảo Dự thảo sửa đổi các Luật này, để kịp ban hành ngay khi Dự thảo sửa đổi Luật Trồng trọt được Quốc hội thông qua.
Theo ông Đạt, Dự thảo Nghị định và Thông tư sẽ chuyển nhiều nhiệm vụ thực hiện tại cấp huyện xuống cấp xã, theo đúng mô hình chính quyền mới.
Tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Dự thảo sửa đổi Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật không chỉ đơn thuần thay đổi câu chữ mà phải trả lời được câu hỏi căn bản: Sửa để làm gì và mang lại hiệu quả ra sao.
Thứ trưởng Hoàng Trung nêu lên nhiều vấn đề trong Luật Trồng trọt, như việc tự công bố giống cây trồng - một nội dung quan trọng được đề cập trong Luật Trồng trọt, cần được quy định rõ hơn về tiêu chí khảo nghiệm và giá trị sử dụng, chấm dứt tình trạng mỗi địa phương, đơn vị áp dụng theo một cách riêng biệt như hiện nay.
Liên quan đến công tác quản lý giống cây trồng, Thứ trưởng Hoàng Trung lưu ý sự cần thiết phải thống nhất trong việc đặt tên giống, tránh tình trạng một giống có nhiều tên gọi khác nhau, gây nhầm lẫn và khó khăn trong quản lý. Công tác khảo nghiệm giống hiện vẫn còn nặng về hình thức, chưa thực sự phản ánh đúng giá trị sử dụng.
THÁO GỠ TRIỆT ĐỂ CÁC NÚT THẮT CHO SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN
Đề cập những quy định liên quan đến đất trồng trọt, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng quy định cấm đưa đất vào Việt Nam, thay vì áp dụng cấm tuyệt đối, nên chuyển sang mô hình thiết lập điều kiện và tiêu chuẩn kiểm soát rõ ràng đối với tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện hoạt động này.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Luật Trồng trọt 2018 quy định: Tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp; được bảo vệ và sử dụng hiệu quả. Luật Đất đai 2024 cũng nhắc tới tầng đất mặt. Theo đó, người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt... không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.
"Việc hoàn thiện sớm các dự thảo Luật, nghị định liên quan không chỉ là yêu cầu kỹ thuật lập pháp, mà còn là nhiệm vụ then chốt nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới. Sửa Luật phải bám sát thực tiễn sản xuất, tập trung xử lý các điểm nghẽn trong quản lý, đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu nông sản”.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Tầng đất màu mỡ này cũng xuất hiện trong nhiều Nghị định. Tuy nhiên, trước đây việc xác định, bóc tách, vận chuyển và hoàn thổ tầng đất mặt chịu sự điều chỉnh bởi Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm phát triển vùng sản xuất lại không có đủ thẩm quyền để định hướng, giám sát hay điều chỉnh hoạt động này. Từ đó, xuất hiện tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
“Nay, khi hai Bộ hợp nhất, có nhiều cơ hội để giải quyết rốt ráo vấn đề này. Nếu không xử lý dứt điểm vấn đề tầng đất mặt trong lần sửa luật sắp tới, những vướng mắc trong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, phát triển vùng nguyên liệu, hay quản lý đất canh tác tập trung sẽ còn tiếp diễn", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Đề cập đến của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng nội dung quản lý sinh vật gây hại theo khoản 5 Điều 13 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật cũng cần điều chỉnh theo hướng chuyển từ quy định cấm sang cơ chế kiểm soát phù hợp, linh hoạt hơn. Những quy định rập khuôn, thiếu tính thực tế đang gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương trong triển khai.
Trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, Thứ trưởng Hoàng Trung đề xuất cần quản lý chặt chẽ các loại thuốc cấm lưu hành, đồng thời ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc sinh học nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Thay đổi đáng chú ý được Thứ trưởng Hoàng Trung đưa ra, là chuyển từ cơ chế quản lý thuốc theo danh mục sang hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường.
“Quá trình sửa Luật lần này phải huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe từ thực tiễn sản xuất, từ doanh nghiệp và địa phương. Chúng ta phải nhận thức rõ, rằng không phải lúc nào cũng có cơ hội sửa luật, nên một khi sửa, phải tập trung vào những vấn đề thực sự cấp thiết, tháo gỡ triệt để các nút thắt cho sản xuất và xuất khẩu nông sản” Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh; đồng thời cho rằng việc hoàn thiện sớm các dự thảo Luật, nghị định liên quan không chỉ là yêu cầu kỹ thuật lập pháp, mà còn là nhiệm vụ then chốt nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới. Sửa Luật phải bám sát thực tiễn sản xuất, tập trung xử lý các điểm nghẽn trong quản lý, đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu nông sản.