BIDV, phía trước là đòn bẩy?
Lịch sử của ngân hàng lớn nhất Việt Nam dự kiến sớm có đòn bẩy để thực sự thoát thế kẹt
Sau khi hoàn tất thủ tục các cấp quản lý phê duyệt, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa lấy ý kiến cổ đông để tìm đến một đòn bẩy, tạo đà thoát khỏi thế kẹt hiện nay.
Tính đến 30/9/2018, với 1,268 triệu tỷ đồng, BIDV đang là ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất của Việt Nam xét theo quy mô tổng tài sản. Vị trí này có dễ bị thay thế trong trung hạn không?
Cục diện khó thay đổi
Ngân hàng lớn nhất về tài sản không hẳn là tốt nhất, hiệu quả nhất. Nhưng vị trí lớn nhất có giá trị nhất định, vì tổng tài sản gắn liền với ưu thế thị phần, mà thị phần hoạt động ngân hàng tại Việt Nam luôn cạnh tranh quyết liệt.
Với BIDV, vị trí trên có cạnh tranh trực tiếp từ các thành viên có quy mô sát kề: VietinBank, Vietcombank và Agriank. Nhưng cục diện trong trung hạn khó thay đổi, do mỗi thành viên đều có chung khó khăn trong không gian tăng trưởng.
Cả "big 4" ngân hàng Việt này hiện đều ở thế kẹt tăng vốn. Hệ số an toàn vốn (CAR) đều ở sát mức tối thiểu quy định. Để tăng vốn, mỗi thành viên đang có mỗi câu chuyện khác nhau, do Nhà nước nắm sở hữu chi phối trong khi nguồn tăng vốn không có trong kế hoạch ngân sách trung hạn.
Vừa qua, Vietcombank đã chính thức công bố thông tin chào bán 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng này tăng lên, dự kiến có thêm phần thặng dư phát hành để tăng thêm vốn chủ sở hữu…, không gian tăng trưởng các hoạt động được nới lên theo mức độ bán được. Đây cũng là miếng ghép cuối cùng để Vietcombank hoàn tất áp dụng Basel 2.
Trở ngại nhất vẫn thuộc về VietinBank, vì tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm xuống hết ngưỡng (65%), tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã lấp đầy (30%). Hướng tăng vốn còn lại tùy thuộc vào kết quả "đấu tranh" với ngân sách, giữa phương án trả cổ tức bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu trong tương lai.
Với Agribank, do chưa cổ phần hóa, vốn điều lệ phải chờ ngân sách cấp thêm, trong khi nguồn không có trong kế hoạch trung hạn mà Quốc hội đã chốt, ngoại trừ nếu có điều chỉnh.
Còn BIDV, cuối cùng, sau khoảng một năm "đồn đoán" và gợi mở, tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về bán cổ phần cho nước ngoài để tăng vốn cũng đã được công bố, ngày 31/10/2018.
Đòn bẩy thay tình thế?
Theo tờ trình, BIDV có kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ 15%, tăng vốn điều lệ.
Một đòn bẩy để lịch sử BIDV sang trang dự kiến ở tương lai gần, vì tên tuổi nhà đầu tư đã xác định cụ thể, hai bên cũng đã có quá trình theo đuổi và đàm phán lâu dài, các thủ tục cấp phép cũng đã xong.
Với cổ đông và nhà đầu tư, một trong những điểm quan tâm là giá bán. Nó sẽ được xác định theo giá bình quân số phiên giao dịch trên sàn tại thời điểm nhà đầu tư chào mua.
Vấn đề giá vừa gắn với trách nhiệm tài sản Nhà nước, vừa là lợi ích cho ngân hàng và cổ đông. Nhưng quan trọng hơn, kế hoạch này nếu thành công sẽ tạo đòn bẩy để BIDV thoát khỏi thế kẹt hiện nay, cũng như mang lại thay đổi lớn so với quá khứ và hiện tại.
Là ngân hàng lớn nhất, những năm qua và đến nay BIDV cũng được biết đến là một trong những địa chỉ có nợ xấu lớn nhất theo con số tuyệt đối. Cuối quý 3 vừa qua ghi nhận mức độ lên tới hơn 17.000 tỷ đồng.
Nợ xấu BIDV tăng lên từ các kênh khác nhau. Ví như nợ tái cơ cấu trước đây, nợ bán cho VAMC đáo hạn, phát sinh mới trong quá trình hoạt động… Về con số tuyệt đối, họ có nợ xấu lớn, song qua 9 tháng đầu 2018 cũng đã tích lũy được lượng trích lập dự phòng đối ứng đáng kể, với 14.365 tỷ.
Về tỷ lệ, nợ xấu của BIDV theo báo cáo ở mức thấp, quy mô lớn trên do gắn với tổng dư nợ lớn. Song, thế kẹt tăng vốn khiến các chỉ số tài chính hạn chế, một trong những lý do chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được giao khá thấp, với 14%. Giả sử, có chỉ tiêu cao hơn, mẫu số tín dụng nở rộng hơn, tỷ lệ nợ xấu có thể đã được co gọn lại hơn thay vì tăng lên 9 tháng đầu năm nay.
Với kế hoạch chào bán trên, BIDV đang đứng trước triển vọng gia tăng khá mạnh vốn điều lệ (hơn 6.000 tỷ tính riêng theo mệnh giá, và nếu bán thành công chắc chắn sẽ có thêm thặng dư lớn có thể được giữ lại để gia tăng mạnh vốn chủ sở hữu).
CAR theo triển vọng trên được cải thiện, các cân đối tài chính thuận lợi hơn để nới thêm không gian tăng trưởng. Trong đó, một trong những cơ sở đầu tiên để được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm tới cao hơn là phải tăng được vốn điều lệ.
Kế hoạch trên nếu thành công sẽ tạo đòn bẩy mới. Đòn bẩy này bền vững hơn tình thế phải chắp vá vốn, qua thường xuyên vay mượn bằng phát hành trái phiếu dài hạn chi phí cao để kê vốn cấp 2 cải thiện CAR những năm qua.
Khó đong đếm, yếu tố đòn bẩy này cũng góp phần tạo những thay đổi khác ở BIDV sau cổ phần hóa.
Giả sử mua hẳn 15%, KEB Hana Bank (Hàn Quốc) sẽ trở thành nhà đầu tư, cổ đông chiến lược. Dù tỷ lệ sở hữu Nhà nước dự kiến vẫn còn tới 80,99%, song tại BIDV hoạt động quản trị, điều hành bắt đầu có tiếng nói của nhân tố mới - cổ đông nước ngoài.
Với thời hạn hạn chế chuyển nhượng tối thiểu tới 5 năm, cùng mức độ sở hữu lớn, theo tờ trình của BIDV, đối tác này cũng sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực…
Trong định hướng chung, BIDV cũng là thành viên cuối cùng trong khối ngân hàng thương mại nhà nước lớn đã cổ phần hóa có triển vọng đi được các bước tiếp theo: giảm dần tỷ lệ sở hữu Nhà nước, có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Bên cạnh đòn bẩy này, điểm chờ đợi nữa tại BIDV là nhân sự đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị sau hai năm để trống.
Và đã có chuyển động mới, khi BIDV cũng đang xin ý kiến cổ đông sửa điều lệ quy định người đại diện theo pháp luật từ Tổng giám đốc như hiện nay sang Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đây có thể xem là một bước chuẩn bị cho sự kiện toàn bộ máy trong tương lai gần.