11:38 14/03/2011

“Biểu quyết chỉ tiêu GDP, CPI là không còn phù hợp”

Mai Minh

“Việc Quốc hội biểu quyết thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là không còn phù hợp với kinh tế thị trường”

Năm 2010, trong tổng số 21 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.
Năm 2010, trong tổng số 21 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.
“Việc Quốc hội biểu quyết thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là không còn phù hợp với kinh tế thị trường”, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bày tỏ quan điểm.

Vì sao ông lại cho rằng Quốc hội không nên biểu quyết chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế?

Thực ra, không chỉ có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP, mà ngay cả các chỉ tiêu khác như CPI, nếu tiếp tục biểu quyết chắc rằng cũng không phù hợp. Bởi nếu, quyết để thực hiện cho bằng được, miễn sao cho đạt chỉ tiêu, thì có lẽ cũng không có nhiều ý nghĩa. Nhất là trong bối cảnh mà những chỉ tiêu đó khó có độ tin cậy cao.

Tôi xin dẫn chứng về việc xây dựng chỉ tiêu GDP của các địa phương. Việc tính toán chỉ tiêu này của các địa phương đều không có những phương pháp tính một cách rõ ràng, thống nhất, nếu như không muốn nói là các chỉ tiêu đó chỉ được “ước” một cách chủ quan và khá tuỳ tiện.

Theo tôi, với GDP hay CPI, chỉ nên coi đó là những chỉ tiêu mang tính dự báo, mang tính định hướng để phấn đấu thôi, không nên tiếp tục coi đó như những chỉ tiêu pháp lệnh. Hàng năm, chúng ta dự báo, tính toán GDP tăng bằng này phần trăm, CPI tăng bằng này phần trăm, nếu đạt được thì rất tốt, còn chưa đạt được thì cần tiếp tục phấn đấu.

Nhiều dự báo của chúng ta, như ông vẫn thường xuyên nhận xét, chỉ là “bấm độn”. Vậy, nay nếu xếp cả GDP và CPI vào như “bấm độn” thì e là khá “nguy hiểm”, thưa ông?

Dự báo của chúng ta đúng là yếu thật. Chính vì thế, không còn cách nào khác là phải phấn đấu dự báo tốt, nếu muốn kinh tế xã hội ngày càng phát triển hơn. Nếu không làm được công tác này thì chúng ta sẽ thua. Và điều quan trọng nhất của dự báo là phải ước liệu được chính xác trong thời gian ít nhất là 1-2 năm sau, dài hơn thì 5-10 năm. Tất nhiên, đối với việc dự báo, thời gian càng dài thì sai số càng lớn nhưng phải biết được trong tương lai sẽ thế nào.

Nếu với cả GDP và CPI, ông đều cho rằng cần “xuống hạng” như vậy thì trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của chúng ta hàng năm, chỉ tiêu nào cần được giữ ở mức “cứng” phải tuyệt đối tuân theo?

Theo tôi, đó là những chỉ tiêu thuộc về kế hoạch ngân sách. Vì ngân sách chủ yếu là tiền thuế của dân, nên phải coi những chỉ tiêu này là những chỉ  tiêu pháp lệnh và cần có trách nhiệm cao nhất trong việc hoàn thành những chỉ tiêu này.  

Quốc hội hàng năm thường biểu quyết thông qua khoảng 21 chỉ tiêu. Ngay cả CPI và GDP ông cũng cho rằng không cần phải biểu quyết thì con số 21 chỉ tiêu này chắc còn có thể giảm đi được rất nhiều?

Tôi không thể nói “liều” được rằng cần giảm đi thêm bao nhiêu, mà chỉ có thể nhận xét rằng hệ thống chỉ tiêu quốc gia của chúng ta, cần phải nghiên cứu kỹ xem cái nào thực sự cần thiết thì để, cái nào không cần thiết thì bỏ.

Ngoài chỉ tiêu GDP, CPI thì những chỉ tiêu khác cũng chỉ nên theo cách dự báo, định hướng thôi. Chúng ta đưa ra chỉ tiêu để rồi sau khi thực hiện lại xin điều chỉnh, đưa ra chỉ tiêu mà không tính toán được, thì những chỉ tiêu như vậy cũng không còn mấy ý nghĩa.

Chúng tôi có nghiên cứu về hệ thống chỉ số, chỉ tiêu kế hoạch ở cấp địa phương thì thấy có một thực tế là một số chỉ tiêu chắc chắn sẽ khó xác định được, song vẫn thường xuyên xuất hiện trong các bản kế hoạch của các địa phương như số người thường xuyên tham gia tập thể dục, số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai!

Rồi một số chỉ tiêu do các bộ, ngành đưa ra chưa có định nghĩa cụ  thể, thống nhất hoặc địa phương khó có  thể giám sát được sẽ làm cho những chỉ tiêu này chỉ còn ý nghĩa hình thức. Ví dụ: chỉ  tiêu về nước sạch, nước hợp vệ sinh, hố xí hợp vệ sinh...

Theo tôi, đừng tiếp tục duy trì hệ thống các chỉ tiêu mang đậm sắc thái sắc lệnh mà nên theo hướng hệ thống chỉ tiêu này chủ yếu là mang tính định hướng, dự báo thôi. Mặc dù nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch hiện nay không còn mang tính pháp lệnh như trước kia nhưng trên thực tiễn, với việc giao kế hoạch đã làm cho các tổ chức cấp dưới luôn hiểu rằng đó là mệnh lệnh của cấp trện và phải phấn đấu thực hiện bằng được, dù tình hình thị trường đã có những biến động không phù hợp.

Quay trở lại với chỉ tiêu CPI. Tháng 10/2010, trước tình hình CPI của cả năm khó mà đạt chỉ tiêu đề ra, đã rộ lên các ý kiến cho rằng Chính phủ cần xin Quốc hội cho điều chỉnh chỉ tiêu này. Nhưng cuối cùng Chính phủ chấp nhận kết quả là “không đạt”, chứ không xin điều chỉnh. Ông có bình luận gì về động thái này?

Tôi hoàn toàn đồng tình cùng Chính phủ, và tôi cho rằng như thế là tốt. Ngay cả trong năm nay cũng vậy, diễn biến tăng của CPI dù khó có khả năng đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ cũng không nên xin điều chỉnh.