07:42 21/09/2024

Big Tech chuyển mình theo xu hướng tinh giản tổ chức

Bảo Ngọc

Trong lĩnh vực công nghệ, nơi tốc độ và sự đổi mới là yếu tố sống còn, việc tinh giản vô số lớp quản lý không chỉ là cách để giảm chi phí mà còn là chiến lược dài hạn giúp công ty duy trì, cải thiện tính linh hoạt, khả năng thích ứng…

Amazon tiếp bước Meta điều chỉnh lại tổ chức nội bộ
Amazon tiếp bước Meta điều chỉnh lại tổ chức nội bộ

Amazon, Meta và đa số Big Tech hiện nay đều đang theo đuổi hướng đi tinh giản cấu trúc nhằm củng cố khả năng phục hồi và sẵn sàng đối phó với thách thức mới trong tương lai, theo Business Insider.

AMAZON VÀ META DẪN ĐẦU LÀN SÓNG TINH GỌN BỘ MÁY QUẢN LÝ

Amazon đang xem xét và đánh giá chặt chẽ vai trò quản lý cấp trung trong công ty. Hãng tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hiệu suất, tầm quan trọng và sự đóng góp để xác định liệu có cần giảm bớt hoặc sắp xếp lại vai trò nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động hay không. Đây là một phần trong chiến lược tinh gọn bộ máy quản lý, tránh tình trạng có quá nhiều tầng lớp lãnh đạo chồng chéo. Động thái trên tiếp nối xu hướng của rất nhiều gã khổng lồ công nghệ hiện nay, điều mà CEO Mark Zuckerberg và Elon Musk từng đề cập.

Giám đốc Điều hành Amazon Andy Jassy vừa ra thông báo yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc trực tiếp 5 ngày/tuần, bắt đầu từ tháng 1/2025. 

Bên cạnh đó, vị Giám đốc cũng công bố kế hoạch điều chỉnh đội ngũ quản lý. Cụ thể, ông Jassy yêu cầu nhóm lãnh đạo cấp cao Amazon tăng tỷ lệ nhân viên làm việc trực tiếp (những người không giữ vai trò quản lý) so với số lượng quản lý ít nhất 15% vào cuối Quý I/2025. Nói cách khác, mục tiêu của Amazon là giảm bớt bộ phận quản lý và tăng cường nhân viên thực hiện công việc cụ thể, từ đó tinh gọn bộ máy và cải thiện mức độ linh hoạt trong vận hành. 

CEO Amazon nhấn mạnh: “Việc giảm số lượng quản lý sẽ loại bỏ tầng lớp trung gian giúp tổ chức tinh giản hơn. Nếu thực hiện hiệu quả, quy trình được đơn giản hóa, cho phép nhân viên nhanh chóng bổ sung thay đổi mà không cần chờ nhiều cấp phê duyệt. Hơn nữa, khi có nhiều quyền hạn, nhân viên sẽ cảm nhận được vai trò của bản thân trong tổ chức, từ đó tăng cường trách nhiệm cũng như động lực. Ngoài ra, quyết định được thực hiện bởi những người nắm rõ thị trường, nâng cao tính phù hợp, mong muốn của khách hàng”.

CEO Meta Mark Zuckerberg thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối với chiến lược của đối thủ. Vị tỷ phú trẻ nhiều lần nhắc về nỗ lực “tinh giản cấu trúc tổ chức” cả khi phát biểu công khai lẫn trong các cuộc họp nội bộ. Trong báo cáo thu nhập vào tháng 8/2024, lãnh đạo của Facebook thông báo rằng công ty đã và đang "tinh gọn cơ cấu tổ chức nhằm tăng hiệu suất làm việc".

Ông Zuckerberg cũng tuyên bố năm 2023 là "năm của hiệu quả" tại Meta, sau hai đợt sa thải lớn khiến khoảng 21.000 người lao động mất việc. Dù vậy, nhà lãnh đạo Meta vẫn khẳng định tính quan trọng của vai trò quản lý, là tiền đề giúp nhân viên trẻ tuổi "phát triển và học hỏi từ kinh nghiệm đi trước". 

Trải qua hai đợt sa thải, tỷ phú Mark Zuckerberg phát hiện rằng trung bình mỗi quản lý chỉ quản lý từ ba đến bốn nhân viên trong khi con số hoàn hảo nên là đội nhóm từ bảy đến tám người. Mặc dù vậy, vào thời điểm đại dịch Covid-19, Meta đã tuyển dụng nhiều nhân viên mới và cần có nhiều quản lý hơn để hỗ trợ và đào tạo trong giai đoạn làm quen công việc.

XU HƯỚNG TINH GỌN TỪ CÁC GÃ KHỔNG LỒ CÔNG NGHỆ

Làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp tục phủ đen Thung lũng Silicon
Làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp tục phủ đen Thung lũng Silicon

Toàn ngành công nghệ cũng theo chân xu hướng cắt giảm vị trí lãnh đạo. Điển hình, số lượng nhà quản lý cấp trung bị sa thải trong năm 2023 là 31,5%, tăng từ 19,7% so với năm 2018. Năm ngoái, Shopify thông báo sẽ “đơn giản hoá” tổ chức bằng cách phân loại nhân viên thành hai nhóm: người đóng góp cá nhân và quản lý. 

Tại Airbnb, CEO Brian Chesky vừa tuyên bố công ty đã loại bỏ hình thức quản lý sản phẩm truyền thống, chuyển đổi sang tiếp thị sản phẩm theo phong cách của đại gia công nghệ Apple. Airbnb sẽ tập trung nhiều hơn vào cách tiếp thị sản phẩm và làm thế nào để đáp ứng nhu cầu người dùng, giống như cách mà Apple tổ chức và quảng bá sản phẩm của hãng.

Về phần Amazon, công ty chưa công khai liệu việc sa thải nhân viên có phải là nước đi khả dĩ trong chiến lược tăng cường đóng góp cá nhân hay không. Tuy nhiên, nếu Amazon tiếp bước các công ty công nghệ lớn khác như Meta, không loại trừ khả năng giảm thiểu quản lý cấp trung sẽ là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới. Theo nguồn tin nội bộ từ nhà báo Ashley Stewart, gã khổng lồ thương mại điện tử đang cân nhắc thắt chặt lực lượng nhân sự là hướng đi cần thiết cho tương lai.