17:46 13/03/2017

Bổ sung trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại tội rửa tiền

Nguyễn Lê

Quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015

<div style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Việt Nam có nguy cơ sẽ lọt vào "danh sách đen" nếu không xử lý được trách nhiệm hình sự của pháp nhân với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.</div><div><br></div>
<div style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Việt Nam có nguy cơ sẽ lọt vào "danh sách đen" nếu không xử lý được trách nhiệm hình sự của pháp nhân với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.</div><div><br></div>
Trong điều kiện hiện nay cần thiết phải xem xét việc bổ sung quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Đây là quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được thể hiện trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, vừa được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Trước đó, tại phiên họp tháng 2/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đây cũng là vấn đề được tập trung bàn thảo, bởi tuy Chính phủ không trình nhưng Ngân hàng Nhà nước lại tha thiết đề nghị.

Chia sẻ quan điểm đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo đi báo cáo lại nhiều lần, khi đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng nói đến nguy cơ Việt Nam sẽ lọt vào "danh sách đen" nếu không xử lý được trách nhiệm hình sự của pháp nhân với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, báo cáo Chính phủ.

Tại báo cáo giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các nội dung của dự thảo luật mới nhất (ngày 10/3) đã đạt được sự thống nhất cao giữa Uỷ ban Tư pháp, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan.

Riêng mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, vẫn còn hai phương án.

Báo cáo giải trình  nêu rõ, theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì một số công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên (như Công ước của Liên hợp quốc năm 1988 về chống vận chuyển trái phép ma túy và các chất hướng thần, Công ước của Liên hợp quốc về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố năm 1999, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…) bắt buộc các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải hình sự hóa hành vi phạm tội rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với pháp nhân phạm tội. 

Theo chu kỳ, năm 2018, quốc tế sẽ tiến hành rà soát, đánh giá về những tiến triển của Việt Nam trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Nếu Việt Nam không thực hiện cam kết với quốc tế về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền và tài trợ khủng bố thì nước ta sẽ có nguy cơ bị xếp hạng “không tuân thủ” và bị đưa trở lại vào danh sách các quốc gia thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, tài trợ khủng bố,  phải chịu sự rà soát của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (FATF) như đã từng bị vào năm 2010, gây ảnh hưởng bất lợi đối với Việt Nam về nhiều mặt. 

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay cần thiết phải xem xét việc bổ sung quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng vì đây là vấn đề mới, có liên quan đến chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước ta và đã được Quốc hội khóa 13 xem xét, cho ý kiến. 

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 phương án.

Phương án một quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố, còn phương án hai là không quy định.

Ở phương án một, pháp nhân thương mại phạm tội tài trợ khủng bố có thể bị phạt tiền cao nhất đến 15 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn...

Với tội rửa tiền, mức phạt tiền cao nhất là 5 tỷ đồng, phạm tội trong một số trường hợp được quy định tại luật có thể bị đình chỉ hoạt đông có thời hạn từ 1- 3 năm, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn...