Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025: Giải pháp chiến lược giúp Việt Nam đạt tăng trưởng từ 10% trở lên
Theo đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, hiệp hội tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025, Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp để tạo điều kiện cho các lĩnh vực kinh tế phát triển theo hướng đồng bộ, từ đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số là từ 10% trở lên mà Việt Nam đã đặt ra....

Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) diễn ra ngày 8/7 với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới” diễn ra vào ngày 8/7, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành hàng đã cùng chia sẻ những góc nhìn thực tiễn, đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và vượt mốc hai con số từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đặc biệt, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng này, các chuyên gia cho rằng cần có sự chung tay đồng thuận của tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn và rào cản còn tồn tại.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, thẳng thắn chỉ ra nhiều rào cản mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải. Theo ông, hiện nay doanh nghiệp rất khó mở rộng sản xuất hay đầu tư do thủ tục hành chính rườm rà, quy định chồng chéo và thiếu tính nhất quán.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, nhưng tiến độ còn chậm và thiếu triệt để, khiến cơ hội kinh doanh và hội nhập quốc tế bị cản trở. “Vì vậy, để các doanh nghiệp vươn ra các thị trường lớn như Mỹ, điều kiện tiên quyết là phải gia nhập được chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như môi trường kinh doanh phải thật sự thông thoáng, minh bạch và hiệu quả”, ông nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ rào cản, theo ông Phú, vai trò “đồng hành” của Nhà nước cần thể hiện rõ nét hơn trong giai đoạn khởi động và xác lập lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Những chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ ban đầu về thị trường, công nghệ hay vốn sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Từ góc độ ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng nêu bật thách thức tăng trưởng trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang chững lại. Hiện quy mô xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam đã đạt hơn 45 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng tăng trưởng 10% mỗi năm đến 2030, con số xuất khẩu cần đạt khoảng 80 tỷ USD, theo ông Trường, điều này là bất khả thi nếu chỉ phát triển theo chiều rộng trong khi tổng cầu thế giới vẫn chưa phục hồi sau đại dịch.
Thay vì chạy theo tăng trưởng số lượng, ông Trường đề xuất Chính phủ cần có thêm chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy năng suất và đặc biệt là chuyển đổi xanh. Đặc biệt, phát triển ngành dệt may theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường chính là chìa khóa để ngành hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tương tự, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho rằng tăng trưởng hai con số không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc tất cả các lĩnh vực cùng tăng mạnh như nhau. Theo bà, điều quan trọng là nuôi dưỡng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào định hướng phát triển của quốc gia. Niềm tin này sẽ tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Để làm được điều đó, bà Liên kiến nghị Chính phủ cần cải cách hệ thống văn bản pháp lý hiện còn nhiều chồng chéo, bất cập; đồng thời tăng cường cơ chế “lắng nghe và chia sẻ” từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn do biến động thị trường và chi phí sản xuất gia tăng.
Bổ sung thêm góc nhìn từ tổ chức tài chính quốc tế, ông Đặng Hồng Quang, Trưởng Đại diện VinaCapital tại Hà Nội, cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận vốn để phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thành lập một hệ thống quốc gia về thông tin tín dụng dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này, qua đó giúp họ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới.

Bên cạnh các giải pháp vi mô, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần có những chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để kiểm soát rủi ro kinh tế vĩ mô. Trong đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đề xuất bốn nguyên tắc lớn để đảm bảo tính bền vững trong huy động và sử dụng nguồn lực tài chính bao gồm: đầu tư cần cân đối với tiết kiệm; phải chú trọng hiệu quả đầu tư; phân bổ nguồn lực tài chính phải tối ưu hơn; và mô hình tăng trưởng phải dựa nhiều hơn vào tăng năng suất thay vì chỉ khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên.
Tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, cho rằng mục tiêu tăng trưởng hai con số hoàn toàn khả thi nếu có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương.
“Phát triển hai con số không đồng nghĩa với việc tất cả lĩnh vực phải tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, mà quan trọng là đạt hiệu quả tổng thể bền vững và bao trùm”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Trần Lưu Quang, có bốn điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng này:
Thứ nhất, cần có sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thứ hai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc về thể chế.
Thứ ba, cần có chiến lược và mô hình phát triển đúng, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực cốt lõi.
Thứ tư , sẵn sàng ứng phó với các cú sốc bên ngoài khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn.
“Cơ hội hiện nay của Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Niềm tin vào cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng, chính là nền tảng để chúng ta bứt phá. Chính phủ sẽ tiếp thu, chọn lọc các kiến nghị thiết thực để đưa vào chính sách và chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới”, ông Trần Lưu Quang khẳng định.