Bộ trưởng Công Thương phân trần về “điểm nghẽn” điện mặt trời
Ngay từ đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, một số vị đại biểu đã đặt vấn đề về phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch
Ngay từ đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 6/11, một số vị đại biểu đã đặt vấn đề về phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch.
Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) chất vấn.
Khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời, Bộ trưởng Tuấn Anh trả lời.
Song, Bộ trưởng cũng trình bày là quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện đủ mạnh cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.
Theo đại biểu Hà thì mức giá 9,35 cent trong vòng 20 năm là khá cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác, vì thế đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết so sánh giá thành sản xuất, giá mua và hiệu quả kinh tế khi khai thác nguồn năng lượng này.
Đại biểu Lê Thu Hà chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - Ảnh: Quang Phúc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết cơ sở mức giá này là từ sự phối hợp với tư vấn quốc tế và thực tiễn Việt Nam. "Khi ban hành quyết định 11 cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế, ông Tuấn Anh trình bày.
Thực tế tới 30/6/2019, khi quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW điện mặt trời được vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019, Bộ trưởng cho biết.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nêu bài học kinh nghiệm từ sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất, mới dừng ở mức 30-40%.
Từ cuối năm 2018, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm 15 đường dây 110kV, 220 kV... nhưng cũng không kịp để giải toả công suất, Bộ trưởng cho biết tiếp. Và ông nói thêm, năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi có thể giao cho tư nhân đầu tư đường dây 500 kV mới.
Những bất cập trong phát triển điện mặt trời sau đó vẫn được một số vị đại biểu tiếp tục đề cập, và Bộ trưởng cũng tiếp tục nói về "điểm nghẽn" trong giải toả công suất điện mặt trời.
Điểm nghẽn cơ bản là trong điều kiện hạn chế về nguồn lực của Nhà nước và của Tập đoàn Điện lực quốc gia nếu không đa dạng hoá được nguồn đầu tư cho phát triển hệ thống truyền tải điện, bao gồm cả hệ thống truyền tải và các trạm biến áp các cấp độ khác nhau thì sẽ tiếp tục hạn chế việc giải toả công suất và năng lực giải toả công suất, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Bộ trưởng cho biết về giải pháp dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong Luật Đầu tư và Luật Điện lực. Từ đó cụ thể và làm rõ cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hoá các nguồn đầu tư của xã hội phát triển hệ thống truyền tải điện, cụ thể là các đường dây 500kv, tạo cơ chế và có biện pháp cụ thể để khai thác nguồn lực này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng cho phép xã hội hoá trong các vấn đề về truyền tải điện nhưng không có nghĩa là đánh mất vai trò độc quyền của Nhà nước.