14:44 09/12/2020

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đã đủ điều kiện để thí điểm "đại học số" tại Việt Nam

Nhật Dương

"Đại học ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là mô hình truyền thống"

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm như vậy khi chia sẻ tại Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách mạng công nghiệp 4.0 mà chủ yếu là công nghệ số và chuyển đổi số mở ra cơ hội để cái mới thay thế cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp chỉ tạo ra cơ hội cho một vài nước bứt phá, vươn lên thành nước phát triển cũng như cơ hội cho một số đại học vươn lên thành đại học hàng đầu.

Bộ trưởng đánh giá, công nghệ số nếu tính chi phí trên đầu người thì rất rẻ, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, thậm chí gần như bằng không. "Bởi vậy, câu chuyện chính của cách mạng 4.0, của chuyển đổi số là chúng ta có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải chúng ta có khả năng hay không", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Bộ trưởng nhìn nhận, nếu nói đến đột phá trong việc học đại học có thể tóm lại trong một chữ "ngược", vì cách mạng lần thứ 4 mở ra cơ hội về sự làm ngược, cho người đi sau, nhưng không có nghĩa đi theo cách của người đi trước. "Vì nếu đi theo cách này sẽ mãi là người đi sau".

Trước đây đầu vào, cách học, dạy học là quan trọng, còn hiện nay chuẩn đầu ra quan trọng hơn. Trước đây, đại học so với chính mình nhưng bây giờ phải so với các đại học khác, vì thế việc ban hành bộ tiêu chí về đo đạc, so sánh đánh giá các trường là quan trọng. Bởi vì, cái gì không đo được thì không quản lý và thúc đẩy được.

"Trước đây, học cái đã có trong sách giáo khoa, bây giờ học cả bên ngoài, trước đây giáo viên là thầy, bây giờ là huấn luyện viên, hiện nay việc học là cả đời, vì thế có thể rút ngắn thời gian", Bộ trưởng dẫn chứng.

Theo Bộ trưởng, những thay đổi trên và nhiều thay đổi khác nữa đều có thể thực hiện nhanh hơn qua chuyển đổi số giáo dục. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đặt chuyển đổi số giáo dục lên vị trí ưu tiên cao nhất. Chuyển đổi số giáo dục và đào tạo, nhất là đại học và dạy nghề có lẽ là con đường đúng và nhanh nhất để tạo đột phá cho ngành Giáo dục.

"Chuyển đổi số đầu tiên là cần quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao nhất, ngành Giáo dục có lẽ cần một nghị quyết, một đề án về chuyển đổi số. Tiếp theo là sự thay đổi về thể chế, phương thức dạy học, công cụ để thực hiện là các nền tảng đã có, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể làm được", Bộ trưởng đề xuất.

ĐẠI HỌC PHẢI LÀ "QUỐC GIA" SỐ THU NHỎ

Bộ trưởng đánh giá, thực tế ngành giáo dục đã có nhiều tiên phong đổi mới nhưng vẫn thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Do đó, cuộc cách mạng chuyển đổi số sẽ mang đến cho ngành không chỉ công cụ mà còn cho phép cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn.

Nhấn mạnh hơn đến chuyển đổi số đại học, Bộ trưởng cho rằng, việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi toàn bộ các trường đại học thành "quốc gia" số thu nhỏ, toàn bộ hoạt động của đại học, giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất, bởi vì để đào tạo nhân lực về chuyển đổi số thì phải để họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số.

Theo Bộ trưởng, trong xã hội tương lai, việc học sẽ là nhu cầu cả đời. Để đáp ứng nhanh cả về nội dung và người dạy thì không gì bằng các nền tảng. Mỗi nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số.

"Nếu nhìn theo góc này, đại học ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là mô hình truyền thống, và thực sự đại học sẽ là một công ty công nghệ phát triển công nghệ và nội dung về dạy học nhưng bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức của mình lên các nền tảng. Một đại học số có lẽ đã đủ điều kiện để cho thí điểm tại Việt Nam", Bộ trưởng đề xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lần nữa đề nghị những việc về chuyển đổi số, xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thực hiện. "Việc 5 năm thì hãy giao cho chúng tôi trong 1 năm vì bây giờ việc khó thì dễ làm hơn vì có nhiều giải pháp mới đột phá, còn việc dễ thì lại khó làm vì chúng ta hay đi theo cái cũ", Bộ trưởng nhấn mạnh.