17:12 10/11/2020

Lợi thế để chuyển đổi số trong giáo dục

Nhật Dương

Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh để phát triển các nền tảng số nhằm hỗ trợ giáo dục và đào tạo

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là một trong những ưu tiên số một.

TIẾP TỤC THÚC ĐẨY DẠY HỌC TRỰC TUYẾN HẬU COVID-19 

Thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay đã có hơn 7.000 bài giảng e-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa và chia sẻ trên internet.

Bộ này cũng đã đánh mã định danh và số hóa thông tin hồ sơ của 23 triệu học sinh, hồ sơ của 1,4 triệu giáo viên thuộc 53.000 trường học trên cả nước, giúp ngành Giáo dục thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch, đánh giá, dự báo về các hoạt động giáo dục.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ bậc mầm non đến phổ thông. Trong đó không chỉ dừng lại ở những kỹ năng sử dụng kiến thức công nghệ mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo. 

Việc ứng dụng công nghệ số trong giáo dục tại Việt Nam đang ngày càng trở nên thiết thực hơn khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hình thức dạy học trực tuyến được áp dụng phổ biến giúp việc học vừa không bị "đứt gãy" vừa đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch.

Kết quả được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) công bố mới đây cũng cho thấy, việc học trực tuyến phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, với gần 80% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%) và chỉ thấp hơn 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện Bộ này đang chuẩn bị ban hành quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông, tạo hành lang pháp lý để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị Chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong ASEAN, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đang đi trước và đi đầu các quốc gia trên thế giới trong chuyển đổi số. Theo bà Rana Flowers, chính những thách thức do đại dịch Covid-19 thì vấn đề học trực tuyến lại là khởi đầu của đổi mới và chúng ta cần tìm ra những giải pháp để có thể thúc đẩy hơn nữa học tập trực tuyến trong thời gian tới.

DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ ĐÃ SẴN SÀNG

Chia sẻ về vấn đề này tại hội nghị tổng kết năm học của ngành Giáo dục vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định chuyển đổi số trong ngành Giáo dục là một trong những ưu tiên số một. Chuyển đổi số trong giáo dục chủ yếu là thay đổi mô hình và cách tiếp cận. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ, cuộc sống thay đổi nhanh nên việc học là cả đời, cũng như đào tạo lại, đào tạo nâng cao sẽ là nhu cầu ngày càng cao và thường xuyên hơn.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh, chính họ có thể phát triển các nền tảng số để hỗ trợ cho giáo dục. "Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy đặt ra các bài toán, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành phát triển, thực tế nhiều nền tảng giáo dục hiện nay đã ra đời, nhất là trong giai đoạn Covid-19", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc thay đổi một số quy định để chính thức hóa tỷ lệ học trực tuyến, chẳng hạn từ 15-30% ngay cả khi không còn dịch Covid – 19. Bởi vì, học trực tuyến sẽ thúc đẩy nhanh chóng kỹ năng số của cả giáo viên, học sinh, cũng như thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số trong giáo dục giữa thành phố với vùng sâu vùng xa.

Khẳng định chuyển đổi số giáo dục chủ yếu là thay đổi thể chế, là cuộc cách mạng về mô hình đào tạo, cách tiếp cận và cách làm giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ngành Giáo dục hãy có niềm tin là công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng giải quyết hầu hết các bài toán mà Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đặt ra.

Doanh nghiệp cũng sẵn sàng đáp ứng xu thế của đào tạo tương lai với thời gian đào tạo ngắn và nội dung bám sát thực tế hơn. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông tin, tới đây hai Bộ sẽ có buổi làm việc chuyên đề về chuyển đổi số ngành Giáo dục, nhằm tận dụng cơ hội từ thách thức Covid -19 để đẩy nhanh chuyển đổi số và coi đây như là một cú hích trong năm.