22:54 14/05/2018

Bộ trưởng Tài chính "cũng lo về khả năng quản lý vốn của VEC"

Nguyên Vũ

Các dự án của VEC là các dự án sử dụng vốn vay về cho vay lại và được Thủ tướng Chính phủ cho chuyển sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp, cấp phát từ ngân sách

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.

"Bản thân tôi cũng rất lo về khả năng quản lý vốn của VEC", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 trong buổi họp chiều 14/5.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, về số quyết toán chi đầu tư cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) 3.270,44 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước chưa nhất trí với lý do chưa có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về phương án chuyển đổi tài chính tổng thể của VEC.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách dẫn kết quả kiểm toán, Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho 4 dự án của VEC là 22.010 tỷ đồng, trong đó dự toán năm 2016 là 3.866 tỷ đồng. Đây là các dự án sử dụng vốn vay về cho vay lại và được Thủ tướng Chính phủ cho chuyển sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp, cấp phát từ ngân sách theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc chuyển vốn vay về cho vay lại thành vốn cấp phát mặc dù đã có quyết định của Thủ tướng từ năm 2013 nhưng việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 -2020 được thực hiện khi nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có hiệu lực thi hành nên Chính phủ cần phải xin ý kiến Bộ Chính trị và trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nói, việc Chính phủ cho rằng Quốc hội đã duyệt nội dung này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý các dự án khi cho ý kiến về danh mục dự án do Chính phủ trình là chưa phù hợp. Vì Quốc hội chỉ quyết định tổng mức, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho ý kiến về danh mục, không quyết định cụ thể từng công trình, dự án và đã có văn bản yêu cầu Chính phủ tuân thủ đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội và giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện, phê duyệt danh mục cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.

Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể, đánh giá rõ nguyên nhân, tính toán chi phí, lợi ích, báo cáo rõ việc triển khai thực hiện các dự án (lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, kiểm soát chi, thanh quyết toán,…), đề xuất phương án xử lý để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói phương án xử lý liên quan đến VEC phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Ông Hiển cũng nhấn mạnh rằng cần phải đánh giá tổng thể, công khai, minh bạch, tránh để lần này đưa ra cũng bị "chặn" lại vì không phù hợp.

Nhất trí với ông Hiển, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói đã trao đổi với Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc vấn đề của VEC và thấy rằng cần phải xem lại mô hình của VEC. Vì bản thân ông cũng rất lo về khả năng quản lý vốn của doanh nghiệp này. Hai năm trước VEC định cổ phần hoá nhưng ông chưa đồng tình vì thấy chưa đủ điều kiện. Bộ trưởng cho biết đã kiên trì báo cáo Chính phủ và đã thống nhất rút đề nghị quyết toán liên quan đến VEC.

Cho rằng "không thể không rút ra", ông Hiển nói, quan hệ của ngân sách nhà nước với doanh nghiệp này phải khác.

Kết luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói rõ là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa chấp nhận đề nghị quyết toán 3.866 tỷ đồng liên quan đến VEC.