11:29 25/10/2017

Bộ trưởng Tài chính: Tiêu không hết, nhưng lại kêu không có tiền

Hà Vũ

"Chúng ta tiêu không hết tiền, trong khi lại kêu không có tiền tiêu và thiếu động lực tăng trưởng"

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

"Từ năm ngoái đến thời điểm này của năm nay, chúng ta đều tiêu không hết tiền, trong khi lại kêu không có tiền tiêu và thiếu động lực tăng trưởng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội hôm 24/10.

Tại đây, khá nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về tình hình ngân sách, nợ công.

Một số ý kiến đặt vấn đề tại sao tăng trưởng đạt kế hoạch mà thu ngân sách từ nền kinh tế lại không đạt, vượt thu 2,3% chủ yếu từ đất và từ bán xổ số, cân đối ngân sách vẫn rất khó khăn.

Kết quả tích cực

Theo phân tích của Bộ trưởng thì tăng trưởng kinh tế năm nay theo kế hoạch 6,7% và dự toán thu ngân sách Nhà nước dựa trên mức tăng trưởng này.

"Như vậy, nếu chúng ta đạt dự toán thu thì đã đảm bảo được chỉ tiêu 6,7% tăng trưởng. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội, chúng tôi đã báo cáo là thu sẽ vượt dự toán 2,3%, tương ứng với 23.700 tỷ đồng, tức là con số còn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP là 6,7%", Bộ trưởng nói.

Ông cho biết, khi xây dựng dự toán 2017, Bộ đánh giá thu 2017 tăng khoảng 10,1% (trong đó thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 14,1%) với công thức tỷ lệ tăng thu = GDP (6,7%) lạm phạt (4%) = khoảng 10,7%.

Tính tới thời điểm này của năm nay, số thu đã vượt hơn so với dự toán là 2,3% (23.700 tỷ đồng), chủ yếu nằm ở phần ngân sách địa phương. Như vậy có nghĩa là dự toán thu đã được tính dựa trên nền tăng trưởng, lạm trưởng (10,7%) và thực tế con số dự toán thu đã đưa ra cao hơn (14,1%). Đến nay, số thu đã vượt cả 14,1% và thực tế cuối năm còn cao hơn nữa.

"Do đó, tình hình thu ngân sách đang cho kết quả rất tích cực", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vẫn hợp lý

Một trong những vấn đề được nêu tại báo cáo kiếm toán, báo cáo thẩm tra và nhiều đại biểu đề cập là Chính phủ đã đánh giá kinh tế chuyển biến tích cực, hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội theo nghị quyết của Quốc hội, nhưng thu từ 3 khu vực chính là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều không đạt dự toán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm nay thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 92,3%, từ khu vực FDI là 95,1% và doanh nghiêpj ngoài quốc doanh là 97,2% dự toán.

Thực tế này, theo Bộ trưởng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về chủ quan, theo dự toán 2017, các khu vực này đều giao ở mức rất cao. So với thực hiện 2016, thì dự toán thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 8,8%, doanh nghiệp FDI tăng 22,9% và doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 23,8%.

Đây là những con số được giao tăng thu cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bởi thế, đối với số thu tại 3 khu vực này, mặc dù không đạt như dự toán, nhưng theo Bộ trưởng thì thu thực tế thì rất tích cực.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng cho biết, số thu thực tế từ doanh nghiệp Nhà nước chỉ tăng có 0,4%, còn thu từ khu vực FDI tăng tới 16,9% so với số thu thực hiện 2016, còn ngoài quốc doanh thì tăng 20,3%.

"Như vậy, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân khách quan là do chúng ta xây dựng dự toán cao quá. Nhưng thực thế thực hiện thì vẫn cao hơn mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (6,7%) cộng với lạm phát (4%). Tôi cho rằng, diễn biến này vẫn rất hợp lý", Bộ trưởng lập luận.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng phân tích thêm, mặc dù kinh tế có khởi sắc, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp rất khó khăn. Con số công bố là có rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới, nhưng thực tế thì "cứ 4 ông ra đời, thì có 3 ông giải thể, phá sản". Trong khi đó, "ông ra đời" thì thường 1-2 năm mới phát sinh thuế, còn "ông giải thể, phá sản" thì thuế ngay lập tức bị mất.

Hiện nay, theo số liệu của Bộ Tài chính, còn hơn 600 nghìn doanh nghiệp và hộ kinh doanh có nợ đọng thuế ở dạng đóng cửa, giải thể hoặc chuyển khỏi nơi cư trú, Bộ trưởng cho biết.

Điểm sáng về bội chi

Liên quan đến bội chi và nợ công, người đứng đầu ngành tài chính nói, năm 2017 Quốc hội quyết số bội chi là 178.300 tỷ đồng, bằng 3,5% GDP kế hoạch đề ra (5,1 triệu tỷ đồng), trong đó, huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 50.000 tỷ đồng, ODA là 60.000 tỷ đồng.

Điểm mới, theo Bộ trưởng là đã đưa trái phiếu Chính phủ vào bội chi, bởi trước 2016, khoản này không nằm trong bội chi.

"Trái phiếu Chính phủ năm 2017 chúng ta có 50.000 tỷ đồng theo dự toán, cộng với 17.000 tỷ đồng của 2016 trở về trước chưa giao được là có 67.000 tỷ đồng, trong đó tới nay mới giao được 35.900 tỷ đồng".

"Như vậy, từ năm ngoái đến thời điểm này của năm nay, chúng ta tiêu không hết tiền, trong khi lại kêu không có tiền và thiếu động lực tăng trưởng. Những động lực tăng trưởng là ở đây chứ ở đâu?", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng, khi quyết toán dự toán ngân sách 2015, thì vẫn còn lại khoảng 5.300 tỷ đồng ODA đã giải ngân chưa đủ thủ tục. Đến hết năm 2016 và thời điểm này thêm 8.700 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng có khoảng 14.000 tỷ đồng.

"Chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ, với Quốc hội là trong khi chúng ta không tiêu hết được trái phiếu Chính phủ trong nước, thì cho tăng vốn đối ứng cho ODA vào trong dự toán 2017. Có nghĩa là giảm trái phiếu Chính phủ và tăng ODA, thì vẫn nằm trong tổng mức 178,3 nghìn tỷ đồng bội chi. Như vậy, bội chi năm nay sẽ quản lý được, không vượt số 178,3 nghìn tỷ đồng", Bộ trưởng khẳng định.

Ông Dũng cho rằng nếu làm được điều này, thì đây là năm đầu tiên trong 10 năm quản lý được bội chi, kể cả số tuyệt đối và tương đối. Đây là một điểm sáng trong năm nay.

Nợ công đã nhẹ nhàng hơn

Về vấn đề hệ trọng là nợ công, Bộ trưởng thông tin đến thời điểm này nợ công đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều, khi quy mô dù vẫn tăng nhưng áp lực đã giảm rất lớn.

Dự tính cuối năm nay, nợ công vẫn trong giới hạn, ở mức 62,6% (dưới 65%) và cơ cấu nợ chính phủ rất tích cực. Năm 2011, trong cơ cấu nợ chính phủ thì nợ nước ngoài chiếm tới hơn 60%, nợ trong nước khoảng hơn 39%; nhưng đến thời điểm này thì ngược lại.

Đây là một chuyển biến rất quan trọng và đang đi đúng hướng, Bộ trưởng Tài chính cho biết.