14:35 26/09/2012

Bộ Xây dựng muốn trực tiếp quản lý hai tập đoàn

Bảo Anh

Việc phân cấp quản lý các tập đoàn, tổng công ty với bộ máy quản lý cồng kềnh, phân tán bởi nhiều chủ thể đã nảy sinh bất cập

Theo Bộ Xây dựng, việc hình thành các tập đoàn kinh tế trên cơ sở sáp nhập các công ty đã gây ra nhiều bất cập.
Theo Bộ Xây dựng, việc hình thành các tập đoàn kinh tế trên cơ sở sáp nhập các công ty đã gây ra nhiều bất cập.
Với quy định phân cấp quản lý các tập đoàn, tổng công ty hiện nay, bộ máy quản lý còn cồng kềnh, bị phân tán bởi nhiều chủ thể nên hiệu quả quản lý còn hạn chế.

Đánh giá trên của Bộ Xây dựng được đưa ra trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, về việc rà soát lại danh sách các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng trực tiếp quản lý.

Theo Bộ Xây dựng, hiện trong danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có hai tập đoàn và một tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng, bao gồm: Tập Công nghiệp xây dựng (Sông Đà), Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) và Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM).

Tuy nhiên, quy mô của các tập đoàn, tổng công ty còn nhỏ. Tại thời điểm 31/12/2011, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Sông Đà mới đạt 6.636 tỷ đồng (tương đương 316 triệu USD); Tập đoàn HUD đạt 5.972 tỷ đồng (tương đương 284 triệu USD) và Tổng công ty VICEM đạt 13.000 tỷ đồng (tương đương 650 triệu USD). 

Năm 2011, doanh thu của Tập đoàn Sông Đà đạt 46.278 tỷ đồng, Tập đoàn HUD đạt 34.410 tỷ đồng và Tổng công ty VICEM đạt 19.558 tỷ đồng. 

Theo Bộ Xây dựng, Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn HUD sau hơn 2 năm thí điểm thành lập mặc dù đã có nhiều cố gắng để ổn định tổ chức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với mô hình tổ chức mới, thực hiện kế thừa các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các đơn vị thành viên tham gia Tập đoàn..., nhưng do hình thành trên cơ sở liên kết hành chính nhiều tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nên dẫn đến nhiều bất cập.

Chẳng hạn, với việc sáp nhập các tổng công ty đã khiến quy mô tập đoàn tăng đột biến từ vài chục doanh nghiệp thành viên tăng lên đến vài trăm doanh nghiệp. Hiện tại Tập đoàn Sông Đà đang có vốn đầu tư ở 4 cấp doanh nghiệp với tổng số thành viên là 230 đơn vị, Tập đoàn HUD có 183 đơn vị. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa năng lực quản lý, điều hành của công ty mẹ tập đoàn với yêu cầu quản lý của tập đoàn đối với các đơn vị thành viên.

Không những thế, quyền tự chủ của các đơn vị thành viên bị hạn chế do công ty mẹ, công ty con không thể cùng tham gia đấu thầu cùng một công trình hoặc dự án đầu tư.

Ngoài ra, cũng theo Bộ Xây dựng, việc phối hợp hoạt động của công ty mẹ tập đoàn khó khăn do năng lực còn hạn chế, mặt khác mỗi tổng công ty tham gia tập đoàn đều hoạt động chuyên sâu ở từng khâu, từng lĩnh vực khác nhau, có bề dày kinh nghiệm hoạt động khác nhau, thương hiệu uy tín khác nhau và truyền thống văn hóa khác nhau.

Từ thực tế nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị không đưa Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn HUD và Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam vào danh sách các tập đoàn, tổng công ty cần thiết do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện một số quyền của chủ sở hữu; đồng thời phân công cho Bộ Xây dựng quản lý ngành trực tiếp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các tập đoàn, tổng công ty này.