11:13 18/03/2017

Bốn “ông lớn” ngành xây dựng phải cổ phần hóa ngay trong 2017

Bảo Quyên

Cùng với cổ phần hóa, Chính phủ chỉ đạo phải thực hiện thoái vốn nhà nước về 0% tại nhiều doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng

Tổng công ty Sông Đà - một trong bốn doanh nghiệp ngành xây dựng phải cổ phần hóa trong 2017.<br>
Tổng công ty Sông Đà - một trong bốn doanh nghiệp ngành xây dựng phải cổ phần hóa trong 2017.<br>
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo về việc sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, giai đoạn 2011-2016, nhiệm vụ đến năm 2020.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong chỉ đạo nói trên đó là Phó thủ tướng yêu cầu tiến hành cổ phần hóa ngay trong năm 2017 các Tổng công ty: Sông Đà, Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Công nghiệp Xi măng Việt Nam theo quy định pháp luật.

Cùng với đó, Phó thủ tướng yêu cầu thoái vốn nhà nước, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 12 tổng công ty đã cổ phần hóa và 4 tổng công ty đang tiến hành cổ phần hóa theo quy định, bảo đảm tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ theo đúng quy định tại Quyết định số 58/2016 của Thủ tướng về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 với lộ trình gồm 3 nhóm.

Nhóm 1: Giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước 40,71% vốn điều lệ tại Tổng công ty Licogi và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quý 1/2017.

Nhóm 2: Thực hiện thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2018 về mức 0%, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC đối với 10 doanh nghiệp gồm các Tổng công ty: Vật liệu xây dựng số 1, Xây dựng số 1, Sông Hồng, Đầu tư và Phát triển xây dựng, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam, Tư vấn xây dựng Việt Nam, Cơ khí xây dựng và Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam.

Nhóm 3: Thực hiện cổ phần hóa, bán bớt phần vốn nhà nước, nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại các Tổng công ty: Sông Đà, Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Lắp máy Việt Nam và Viglacera ; xây dựng lộ trình cụ thể chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về  SCIC theo quy định.

Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các Tổng công ty này theo đúng quy định tại Quyết định số 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.    

Đối với Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long và Công ty Cổ phần Xi măng Sông Thao, hoàn thiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước 65,76% tại Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà về Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.

 Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước 80,79% tại Công ty Cổ phần Xi măng Sông Thao từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị về Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.

Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bảo đảm tối đa hóa lợi ích của nhà nước, quản lý tốt tài sản, đất đai và giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định pháp luật; không để tồn tại những khó khăn, vướng mắc kéo dài sau khi các tổng công ty được cổ phần hóa.

Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam thực hiện tái cơ cấu toàn diện các Công ty Cổ phần Xi măng: Hạ Long, Sông Thao, bảo đảm các Công ty ổn định và phát triển, cân nhắc, tính toán về nguồn vốn cho phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long, trách nhiệm trả nợ vay của Công ty này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.