08:43 31/08/2016

Yêu cầu kiểm toán các “ông lớn” trước cổ phần hóa

Nguyên Hà

Chính phủ muốn nâng cao tính chặt chẽ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 15/9/2016 nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 15/9/2016 nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản số 1532/TTg-ĐMDN về việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn.

Theo đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính, trước khi định giá doanh nghiệp.

Mục đích của việc này, là để nâng cao tính chặt chẽ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp quy mô lớn do các tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, thì đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 15/9/2016 nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2011 đến ngày cuối 2015, cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 trong tổng số 514 doanh nghiệp, đạt gần 80% kế hoạch.

Chính phủ đánh giá, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và bán tiếp phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần giữ cổ phần bước đầu đạt yêu cầu, giá trị thu về bình quân bằng 1,5 lần giá trị đầu tư.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Một số cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa được ban hành chậm so với kế hoạch. Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời.