17:03 27/06/2011

Bong bóng địa ốc Trung Quốc sẽ nổ kiểu Mỹ, Nhật?

An Huy

Việc lạm dụng đòn bẩy tài chính có thể gây ra cho Trung Quốc những hậu quả tai hại như Mỹ và Nhật Bản từng trải qua

Bong bóng địa ốc Trung Quốc sắp nổ?
Bong bóng địa ốc Trung Quốc sắp nổ?
Việc giá nhà gần đây đi xuống ở một số địa phương Trung Quốc đã bắt đầu làm lung lay niềm tin vào “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này, đồng thời mở ra một cuộc tranh luận rằng liệu Trung Quốc có sử dụng quá tay các đòn bẩy tài chính, tờ Wall Street Journal cho biết.

Báo này lo ngại, việc lạm dụng đòn bẩy tài chính có thể gây ra cho Trung Quốc những hậu quả tai hại như Mỹ và Nhật Bản từng trải qua khi bong bóng địa ốc nổ tung.

Mới cách đây 2 tháng, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Nicholas Lardy đã lên tiếng phủ nhận những lo ngại về “thứ gọi là bong bóng địa ốc” - theo ngôn ngữ của chính chuyên gia này - trong một buổi hội thảo tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington.

Đến nay, ông Lardy đã thay đổi quan điểm và cho rằng, thị trường nhà đất đảo chiều có thể gây ra “sự điều chỉnh rất, rất lớn về kinh tế” ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia kinh tế chính thống khác cũng đồng tình với cách nhìn này.

Các chuyên gia ngày càng thấu hiểu rõ rằng, phần lớn số tiền trong gói kích thích kinh tế khổng lồ và lượng vốn tín dụng “khủng” của Trung Quốc trong các năm 2009-2010 đã được sử dụng để mua nhà đất, đẩy giá địa ốc đi lên với tốc độ và những mức cao không bền vững. Thêm vào đó, thực tế đã cho thấy, hệ thống kinh tế của Trung Quốc thường sản sinh ra các loại bong bóng và ít có khả năng sớm thay đổi “thói quen” này.

Việc Bắc Kinh giữ mức lãi suất tiền gửi thấp hơn so với tốc độ lạm phát làm lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh. Do hầu như không có lựa chọn đầu tư nào khác để chống lạm phát, người dân Trung Quốc có tiền đành mua nhà đất, ngay cả khi nguồn cung tăng vượt nhu cầu.

Chuyên gia Lardy cho hay, trong khoảng thời gian 2006-2010, đầu tư vào bất động sản dân dụng của Trung Quốc tăng gấp rưỡi, lên mức tương đương 9% GDP. Cũng trong khoảng thời gian dó, giá nhà ở các thành phố lớn của Trung Quốc gần như tăng gấp đôi.

Kinh tế gia Wang Tao của ngân hàng UBS nhận định, trong 3-5 năm tới, giá nhà đất Trung Quốc còn tăng mạnh vì tình trạng thiếu vắng các kênh đầu tư thay thế và sự phụ thuộc của chính quyền các địa phương nước này vào nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất. Chuyên gia Wang Tao dự báo, ở một thời điểm nào đó, sự tăng trưởng bùng nổ của giá nhà đất này sẽ nhường chỗ cho một “vụ nổ”.

Chuyên gia Lardy thì dự báo bong bóng nhà đất Trung Quốc sẽ vỡ sớm hơn. Tương tự, chuyên gia về bán khống James Chanos của quỹ Kynikos Associates tin là thị trường sẽ lao dốc trong vòng 2 năm tới. Dĩ nhiên, không ai có thể biết đích xác chừng nào thì điều đó xảy ra. Một vài sự kiện có thể khiến giới đầu tư nhà đất Trung Quốc ồ ạt xả hàng, như lãi suất tăng mạnh, các kênh đầu tư hấp dẫn khác xuất hiện, hay mức thuế cao hơn đánh vào thị trường địa ốc.

Những dự báo không đồng nhất về thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc khi bong bóng địa ốc vỡ tung phản ánh những cách nhìn khác nhau về cơ cấu của nền kinh tế này.

Tình hình thị trường bất động sản Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành xây dựng, thép, xi măng, điện và thiết bị gia dụng. Theo chuyên gia kinh tế Stephen Green của ngân hàng Standard Chartered, tính ra, khoảng 50% GDP Trung Quốc có liên quan tới số phận của lĩnh vực địa ốc.

Chuyên gia này nhận định, mặc dù thị trường nhà đất sụt giảm sẽ khiến kinh tế Trung Quốc chao đảo, nhưng hậu quả sẽ không đến mức nghiêm trọng như những gì mà bong bóng địa ốc nổ đã gây ra đối với kinh tế Mỹ và Nhật Bản.

Ở trường hợp hai quốc gia kia, thị trường nhà đất lao dốc khiến các khoản nợ xấu nở rộ khiến các nhà băng tê liệt và làm cạn khô dòng vốn tín dụng. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tỷ lệ nhà đầu tư vay tiền mua nhà là ít hơn nhiều, và cũng không có thị trường vay thế chấp nhà dưới chuẩn như ở Mỹ.

Các nhà phân tích khác thì lại cho rằng, tỷ lệ vay tiền mua nhà ở Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với các con số thống kê chính thức.

Đương đầu với các tác động của khủng hoảng và suy thoái toàn cầu, theo yêu cầu của Bắc Kinh, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã cấp số vốn vay lên tới khoảng 3 nghìn tỷ USD, chủ yếu cho các doanh nghiệp quốc doanh lớn.

Số tiền này được cho là đã tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc, như hệ thống đường sắt cao tốc của nước này. Nhưng theo ông Deng Yongheng, Giám đốc Viện Nghiên cứu bất động sản thuộc Đại học Quốc gia Singapore, một phần không nhỏ trong số vốn vay trên đã được bơm vào thị trường nhà đất.

Giá đất cho các dự án bất động sản dân dụng tại 8 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong năm 2009 chủ yếu là do hoạt động gom mua của các doanh nghiệp quốc doanh và tiền đi vay. Vào tháng 3/2010, các công ty quốc doanh thậm chí còn chào mua một mảnh đất ở Bắc Kinh với mức giá cao gấp 10 lần mức giá chào bán ban đầu.

Mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính trong các giao dịch nhà đất ở Trung Quốc, theo các nhà phân tích, là rất khó đoán biết. Không lâu sau vụ giao dịch đất nói trên ở Bắc Kinh, cơ quan chức năng đã yêu cầu 78 doanh nghiệp quốc doanh mà lĩnh vực hoạt động không bao gồm bất động sản dừng hoạt động mua bán nhà đất.

Gần một năm sau, vào tháng 2/2011, hãng thông tấn Tân Hoa cho biết, 14 doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã nói lời từ biệt với lĩnh vực nhà đất và 20 doanh nghiệp khác dự báo sẽ có bước đi tương tự trong thời gian còn lại của năm.

Theo cơ quan giám sát các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, các công ty thuộc sở hữu nhà nước có “dính” đến bất động sản cần thời gian để hoàn tất dự án, nhưng không có quy định nào cấm các doanh nghiệp địa phương tiếp tục đầu tư vào thị trường nhà đất.
 
Trong năm qua, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp để ghìm cương thị trường bất động sản, bao gồm tăng tỷ lệ tiền đặt cọc mua căn nhà thứ hai và thử nghiệm thuế nhà đất. Một số chuyên gia dự báo, những biện pháp này sẽ làm giá nhà Trung Quốc giảm 10% trong năm nay. Theo tờ China Daily, do nhu cầu mua căn hộ giảm sút, một số công ty phát triển nhà đã quay sang đầu tư vào lĩnh vực khai mỏ.

Nhưng hầu như không có chuyên gia nào tin là các biện pháp chống bong bóng địa ốc của Trung Quốc sẽ tồn tại lâu, vì Bắc Kinh vốn đề cao nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế nhằm giữ ổn định xã hội. Tuần trước, chỉ số đo lường hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc do ngân hàng HSBC đưa ra cho thấy, chỉ số này đã rớt xuống mức thấp nhất trong 11 tháng.

Nhà phân tích Charlene Chu thuộc hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings Service tại Bắc Kinh, nhận định, các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đã dùng một lượng vốn vay không nhỏ để đầu tư bất động sản. Bởi vậy, một khi giá nhà giảm mạnh, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng vọt và “sẽ có ảnh hưởng khủng khiếp tới các ngân hàng Trung Quốc”.

Nói cách khác, theo chuyên gia này, bong bóng địa ốc nổ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong hệ thống nhà băng Trung Quốc, tương tự như những gì mà Mỹ và Nhật Bản đã từng trải qua.