14:36 11/09/2015

“Bóng ma” vỡ nợ đe dọa các nền kinh tế mới nổi

An Huy

Điều này cho thấy sức ép lớn mà các nền kinh tế mới nổi đang phải đương đầu trước thềm cuộc họp tháng 9 của FED

Thời gian gần đây, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, 
Malaysia... cùng sụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng 
USD.
Thời gian gần đây, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Malaysia... cùng sụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng USD.
Mức độ đặt cược của giới đầu tư vào khả năng Brazil và Nam Phi vỡ nợ đã lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này cho thấy sức ép lớn mà các nền kinh tế mới nổi đang phải đương đầu trước thềm cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Giảm sức mua, lạm phát tăng

Tờ Wall Street Journal nhận định, cuộc họp ngày 16-17/9 tới đây của FED là cuộc họp được chờ đợi nhất của ngân hàng trung ương này trong suốt nhiều năm trở lại đây, bởi trong cuộc họp này FED có thể đưa ra quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD lần đầu tiên kể từ năm 2006.

Không chỉ có giá các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) của các nền kinh tế như Brazil và Nam Phi tăng cao, mà giá trái phiếu chính phủ của các quốc gia mới nổi cũng sụt mạnh, cho thấy sự mất mát niềm tin của giới đầu tư.

Bên cạnh đó, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Malaysia... cùng sụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng USD.

Từ đầu năm đến nay, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Rand của Nam Phi và đồng Ringgit của Malaysia đã mất giá tương ứng 23%, 15%, và 19% so với đồng USD. Đồng Real của Braizl “bốc hơi” 31% giá trị, chạm đáy 13 năm vào hôm thứ Năm tuần này, một ngày sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Brazil xuống mức “rác” (junk).

Chỉ số J.P. Morgan Emerging Markets Currency Index, một thước đo giá trị một rổ đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, sụt 14% trong 8 tháng đầu năm nay.

Đồng tiền mất giá khiến các nền kinh tế mới nổi bị suy giảm sức mua, lạm phát tăng cao, và gia tăng gánh nặng nợ nần đối với các khoản vay bằng ngoại tệ. Đồng nội tệ mất giá cũng dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn, điển hình là trường hợp Trung Quốc, làm gia tăng thêm sức ép đối với tỷ giá hối đoái. Để ổn định tỷ giá, các ngân hàng trung ương thường phải rút ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối.

Một động thái tăng lãi suất của FED sẽ làm gia tăng thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vốn dĩ đã đang chật vật ứng phó với tăng trưởng giảm tốc, mức nợ cao, và nhu cầu giảm sút đối với các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Khi lãi suất USD tăng lên, các dòng vốn sẽ chảy mạnh từ các nền kinh tế mới nổi về Mỹ.

Khó xảy ra khủng hoảng?


Đối với các nhà đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil bị xem là hai nền kinh tế đặc biệt dễ chịu tổn thương. Những bất cân đối trong nền kinh tế của hai quốc gia này có thể sẽ càng trở nên trầm trọng do sự mất giá của đồng nội tệ. Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP vào hàng cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi.

Trong khi đó, Brazil thì khốn đốn vì giá hàng hóa cơ bản sụt giảm, nhu cầu giảm tốc của Trung Quốc, và Chính phủ nước này trầy trật tìm cách cắt giảm chi tiêu mà không ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Gần đây, các nhà đầu tư bỏ ra 398.260 USD để mua bảo hiểm cho 10 triệu USD trái phiếu Chính phủ Brazil trong vòng 5 năm, mức chi phí bảo hiểm cao nhất cho trái phiếu nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, so với mức chỉ khoảng 140.000 USD cách đây 1 năm.

Mức giá bảo hiểm cho trái phiếu Chính phủ Nam Phi cũng tăng lên 270.780 USD/10 triệu USD trái phiếu, từ mức chỉ khoảng 180.000 USD cách đây 1 năm.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng khó có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn diện như cuộc khủng hoảng mà các nước đang phát triển gặp phải vào cuối thập niên 1990.

Bởi hiện tại, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đều đã thực hiện những bước cải tổ lớn như thả nổi tỷ giá, tích lũy dự trữ ngoại hối lớn, và tăng cường phát hành trái phiếu trong nước thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài.

“Khả năng đối phó với các cú sốc bên ngoài của các nền kinh tế mới nổi đã được cải thiện trong hai thập kỷ qua”, bà Claire Dissaux, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế và chiến lược thuộc công ty quản lý tài sản Millennium Global ở London, nhận xét.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi có thể đã chạm đáy.

Ông Patrick Zweife, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty quản lý quỹ Pictet Asset Management cho biết, tỷ giá so với đồng USD của 42 đồng tiền các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển mà ông theo dõi hiện đang ở mức thấp hơn trung bình 24% so với giá trị thực, rẻ nhất từ năm 1985, nếu xét đến các nhân tố như sức mua và năng suất.