14:47 12/08/2008

Cà phê Việt đối mặt thách thức mới

Hồ Khánh Thiện

Trong khoảng 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ có trên dưới 50% diện tích cà phê đã bắt đầu hết thời kỳ kinh doanh có hiệu quả

Phía trước mặt hàng chiến lược này là những thử thách mới không nhỏ.
Phía trước mặt hàng chiến lược này là những thử thách mới không nhỏ.
Cà phê - một mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam - đang đối mặt những thách thức không nhỏ phía trước.

Theo con số thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong tổng số 500.000 ha cà phê hiện nay có thể chia làm 3 loại chính.

Loại 1, cà phê trồng trước năm 1988, có diện tích 86.400 ha, chiếm 17,3%. Diện tích này cà phê đã trồng trên 20 năm, già cỗi, không còn hiệu quả để khai thác, cần phải được thay thế.

Loại 2, cà phê trồng trong giai đoạn 1988 - 1993, có diện tích 139.600 ha, chiếm 27,9%; hiện nay ở độ tuổi 15 - 20 năm. Phần lớn diện tích này đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn già cỗi và khả năng cho năng suất giảm dần.

Loại 3, cà phê được trồng sau năm 1993, khoảng 274.000 ha, chiếm 54,8%; trong độ tuổi 10 - 15 năm. Đây là số diện tích cà phê đang ở giai đoạn sung sức và cho năng suất cao.

Trong những năm tới, sản lượng cà phê Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào diện tích này.

50% diện tích sẽ hết thời kinh doanh

Qua những số liệu vừa nêu, có thể thấy rằng trong khoảng 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ có trên dưới 50% diện tích cà phê đã bắt đầu hết thời kỳ kinh doanh có hiệu quả, phải cưa đốn, phục hồi hoặc trồng lại.

Theo đó, sản lượng cà phê sẽ giảm xuống, không còn khả năng duy trì ở sản lượng 1 triệu tấn như hiện nay.

Trong những năm gần đây, do giá cà phê tăng cao nên bất chấp lời khuyến cáo của ngành chức năng, của chính quyền địa phương và ngân hàng không cho vay vốn để mở rộng diện tích, người dân vẫn tìm mọi cách trồng mới, nên diện tích cà phê tăng lên một cách đáng kể.

Theo ước tính của các ngành chức năng, năm 2007 các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã trồng mới trên 20.000 ha, trong đó Đắk Lắk là 5.200 ha, Lâm Đồng 4.800 ha, Đắk Nông và Gia Lai mỗi tỉnh khoảng 4.000 ha... Dự báo, với tình hình như hiện nay, năm 2008 diện tích cà phê trồng mới tự phát ở Tây Nguyên sẽ tăng lên không dưới 22.000 ha.

Theo ông Lê Văn Linh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, hiện nay diện tích cà phê của tỉnh đã là 76.080 ha, vượt kế hoạch đến năm 2010 trên 6.000 ha. "Đất "mặt tiền" đã hết, vì thế việc mở rộng được diện tích cà phê phải đi vào vùng sâu, vùng xa; điều này cũng đồng nghĩa với việc phá rừng. Cà phê được mở tới đâu rừng bị phá tới đó", ông Linh nói.

Vì vậy, số diện tích trồng mới không những không bù đắp phần sản lượng thiếu hụt của những diện tích già cỗi mà còn đe doạ tính bền vững của diện tích còn lại, do môi trường bị huỷ hoại, đặc biệt là nguồn nước tưới.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, thì 80% diện tích cà phê do các hộ nông dân quản lý; số diện tích còn lại thuộc doanh nghiệp nhà nước quản lý, nhưng sau khi thực hiện cơ chế giao khoán đến từng người lao động số diện tích này thực chất cũng do hộ nông dân quản lý nốt. Nhìn bề ngoài vùng cà phê sản xuất tập trung, nhưng đi sâu vào các hộ sản xuất nhỏ, hẹp.

Hầu hết các hộ có diện tích bình quân 0,5 - 1 ha. Số hộ có diện tích từ 5 ha trở lên, sản xuất theo mô hình trang trại không nhiều, chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Đã là sản xuất theo hộ nhỏ, lẻ thì mạnh ai nấy làm. Dù diện tích nhiều hay ít, mỗi hộ cũng cố sắm đủ bộ "đồ nghề" trồng cà phê, như: máy bơm; xe vận chuyển, khá thì ô tô tải nhỏ, kém hơn thì xe công nông; máy xay xát, xây sân phơi, kho chứa...

Vì vậy, suất đầu tư/tấn sản phẩm lớn nhưng hiệu quả sử dụng thấp. Kết quả, hiệu quả kinh tế thấp, nhất là trong giai đoạn lạm phát hiện nay: giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, công lao động, lãi suất ngân hàng... tăng chóng mặt!

Cũng do sản xuất theo hộ nhỏ, lẻ, phân tán chạy theo năng suất, sản lượng nên cà phê kém chất lượng. Hiện tại, cà phê có xuất xứ từ Việt Nam, khi xuất khẩu thường bị trừ lùi so với giá chuẩn tại các sàn giao dịch cà phê trên thế giới, như London, New York.

Trong tổng khối lượng cà phê do Uỷ ban Điều hành Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) phân loại năm 2007, cà phê Việt Nam không đạt tiêu chuẩn chiếm tới 66%. IOC cho rằng, sự chậm trễ áp dụng tiêu chuẩn chất lượng mới của Việt Nam đã làm tăng lượng cà phê bị loại.

Để phát triển bền vững

Năm 2007 lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê, giá bình quân đạt 1.529 USD/tấn, nâng giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục 1,6 tỷ USD.

6 tháng đầu năm 2008 kim ngạch xuất khẩu đã đạt tới 1,18 tỷ USD, với lượng xuất khẩu trên 570.000 tấn, vượt xa con số cùng kỳ năm 2007, trong bối cảnh giá cà phê thế giới tăng cao theo chiều hướng tích cực.

Với đà này, cà phê xuất khẩu năm 2008 không khó đạt con số 2 tỷ USD, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, giá trị chỉ sau dầu thô, hàng dệt may, dày dép và thuỷ sản.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, để cây cà phê phát triển một cách bền vững, tiếp tục giữ vững là mặt hàng chiến lược trong những năm tới, Nhà nước mà cụ thể là ngành nông nghiệp cần có chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang cưa ghép bằng các dòng cà phê vối chọn lọc; chuyển những diện tích cà phê trồng trên những vùng đất không thích hợp sang ca cao hoặc các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Ngoài ra, cần xây dựng và ban hành quy chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến đối với cây cà phê để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững. Chấm dứt thói quen chào bán cà phê chất lượng kém để bị trừ lùi theo giá LIFFE (London) từ 120 - 240 USD/tấn, không chen nhau chào bán ồ ạt cà phê vào mùa thu hoạch để thương gia nước ngoài tìm cách ép giá.

Muốn thực hiện được những mục tiêu trên, giữa người trồng cà phê và các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu cần tạo dựng được mối liên kết mới trên cơ sở phân chia lợi nhuận một cách hợp lý, công khai và minh bạch. Chừng nào chưa thiết lập được mối quan hệ "hai bên cùng cùng có lợi" thì chưa thể nói tới tính bền vững của cây cà phê.

Mặt khác, về phía nông dân - những người trồng cà phê, đã đến lúc cần được tổ chức lại như xây dựng hợp tác xã hay nhóm hộ sản xuất một cách thích hợp, để từ đó nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, hạ giá thành...