Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong đăng ký kinh doanh
Pháp luật về đầu tư kinh doanh đã tiến một bước tiến rất dài, chuyển từ “tiền kiểm sang hậu kiểm”, rút ngắn nhiều thời gian cho doanh nghiệp trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai vẫn còn một số tồn tại cần sửa đổi...
Đánh giá cáo những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong đổi mới thủ tục đăng ký doanh nghiệp, song tại hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức ngày 15/7, các ý kiến cho rằng Dự thảo vẫn còn một số nội dung, quy định cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÔNG PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9/2024. Đây là Dự thảo thay thế Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Phó cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ Dự thảo có 9 chương và 83 điều, gồm 8 nội dung chính. So với quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định có một số điểm mới theo hướng đơn giản hóa hơn thủ tục hành chính giấy tờ trên cơ sở kết nối với cơ sở quốc gia về dân cư; chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý Nhà nước và chú trọng nâng cao công tác hậu kiểm, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.
Bên cạnh đó, Nghị định lần này cũng hướng đến kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai Nghị định 01.
Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink nhấn mạnh tới quy định về việc ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cần xem xét lại, bổ sung cho phù hợp.
Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP và khoản 2 Điều 12 của Dự Thảo, trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu hoặc văn bản phân công nhiệm vụ của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, Phòng Đăng ký kinh doanh không chấp thuận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chỉ đính kèm văn bản ủy quyền của doanh nghiệp/cá nhân cho tổ chức mà không đính kèm hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Quan điểm của Bizlink cho rằng việc bắt buộc đính kèm “bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp” là không phù hợp với thực tế, không làm tốt hơn bất kỳ mục tiêu quản lý nhà nước nào mà vô hình trung lại tạo thêm trở ngại cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Bởi lẽ, nội dung của hợp đồng cung cấp dịch vụ (như dịch vụ pháp lý, dịch vụ luật sư) không chỉ ghi nhận thông tin của các bên trong hợp đồng, nội dung dịch vụ thực hiện thủ tục đến đăng ký doanh nghiệp, mà còn có nội dung thực hiện các dịch vụ pháp lý khác không liên quan tới đăng ký doanh nghiệp hoặc các thông tin bảo mật của doanh nghiệp/cá nhân người sử dụng dịch vụ. Các thông tin bảo mật này chỉ được doanh nghiệp/cá nhân cung cấp cho tổ chức được ủy quyền (như công ty luật) trên cơ sở các bên ký kết thỏa thuận bảo mật nghiêm ngặt.
Do đó, theo luật sư Mạnh, việc pháp luật hiện hành cũng như Dự thảo buộc đính kèm “hợp đồng dịch vụ” mà không chấp nhận “văn bản ủy quyền” có thể xem là một quy định không hợp lý, không thể hiện mục đích quản lý nhà nước mà thay vào đó tạo thêm vướng mắc không cần thiết cho doanh nghiệp/cá nhân có mong muốn đăng ký kinh doanh và tổ chức được ủy quyền trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
“Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng chấp thuận “văn bản ủy quyền của doanh nghiệp cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp” thay thế cho hợp đồng cung cấp dịch vụ”, ông Mạnh nói.
RÚT NGẮN THỜI GIAN, THỦ TỤC
Góp ý dự thảo, luật sư Hoàng Thanh Tuấn, Công ty Luật TNHH DIMAC cho rằng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 01 là điều rất cần thiết để khắc phục những điểm hạn chế của Nghị định 01, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh nói chung và thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nói riêng.
Đi vào vấn đề cụ thể, luật sư Tuấn đề xuất giảm thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung. Theo quy định hiện hành cũng như tại Dự thảo thì thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ. Thời hạn này áp dụng cho cả việc nộp hồ sơ lần đầu cũng như nộp hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung theo thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Tôi cho rằng chúng ta có thể cân nhắc giảm thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung (ví dụ, chỉ còn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung của doanh nghiệp)”, luật sư Tuấn góp ý.
Bởi theo vị luật sư này, vì hồ sơ đã được cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét rồi và như vậy sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ cũng như người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng, Dự thảo quy định, các trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp như chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi chủ sở hữu, thay đổi cổ đông nước ngoài đều phải nộp “Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng”.
Tuy nhiên, Dự thảo không hướng dẫn cụ thể giấy tờ chứng minh hoàn tất chuyển nhượng là gì. Trong khi trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp nộp Biên bản thanh lý hợp đồng, Xác nhận hoàn tất chuyển nhượng cổ phần, có doanh nghiệp lại nộp Sổ đăng ký cổ đông hay Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần/phần vốn góp.
Có một số trường hợp, cơ quan đăng ký kinh doanh lại yêu cầu nộp Xác nhận của ngân hàng/Sao kê tài khoản ngân hàng ghi nhận dòng tiền về, có trường hợp lại yêu cầu nộp Tờ khai thuế.
“Việc đưa ra các yêu cầu không thống nhất theo từng thời điểm và theo mỗi tỉnh thành khác nhau dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ và nếu nội dung chưa đáp ứng yêu cầu/đánh giá chủ quan của cán bộ xử lý hồ sơ thì sẽ mất thời gian để điều chỉnh”, ông Tuấn phân tích.
Vì vậy, để đơn giản hóa hồ sơ, đại diện Công ty Luật TNHH DIMAC để xuất Dự thảo quy định cụ thể tài liệu nào được xem là “giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng”. Theo nguyên tắc doanh nghiệp chịu trách nhiệm về nội dung kê khai, nên đề xuất chỉ cần cung cấp một Biên bản thanh lý hợp đồng hoặc Xác nhận hoàn tất giao dịch giữa bên bán và bên mua.