14:27 06/09/2013

Các nhà mạng đột ngột dịu giọng với OTT

Thủy Diệu

Nhiều tín hiệu tích cực và bất ngờ đã mở ra đối với các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí

Theo tính toán của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), nếu 40 triệu 
thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng Viber để gọi điện, nhắn tin
 thì doanh thu của Viettel sẽ giảm 40-50%.
Theo tính toán của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), nếu 40 triệu thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng Viber để gọi điện, nhắn tin thì doanh thu của Viettel sẽ giảm 40-50%.
Thay vì kiến nghị cơ quan chức năng "siết chặt" quản lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí như Viber, Line, KakaoTalk, Zalo... (còn gọi là dịch vụ OTT), một số nhà mạng viễn thông đã cho rằng, OTT có thể là cơ hội để nhà mạng thay đổi.

Những tín hiệu tích cực và bất ngờ đã mở ra đối với các nhà cung cấp OTT, tại cuộc tọa đàm mở về chính sách quản lý đối với dịch vụ OTT do báo Bưu điện Việt Nam và Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 5/9.

Không thể ngăn cấm


Tổng biên tập báo Bưu điện Việt Nam, ông Võ Đăng Thiên nói tại Việt Nam, OTT được biết đến một cách rõ nét nhất từ năm 2012, với sự phổ cập mạnh mẽ của mạng 3G, sự phổ cập, bình dân hóa của điện thoại thông minh (smartphone).

Tại Việt Nam, đến tháng 4/2013, Viber đã có đến 4 triệu người dùng và dự kiến hết năm 2013, số người dùng ứng dụng này là 10 triệu người. Tháng 8/2013, Zalo cũng công bố đạt số người dùng là 4 triệu và hướng đến mốc 5 triệu trong năm nay.

Sự phát triển của các dịch vụ OTT đã cung cấp cho người dùng những tiện ích gọi điện, nhắn tin mới. Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG, đơn vị sở hữu dịch vụ Zalo cho biết, khách hàng của dịch vụ này đã xuất hiện ở cả 5 châu lục, tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở quần đảo Trường Sa cũng có 200 người dùng.

Hơn nữa, theo ông Khải, bản thân OTT tuy có ảnh hưởng tới doanh thu từ tin nhắn, cuộc gọi của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng lại làm tăng doanh thu cước dữ liệu.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng thì cho rằng, OTT là thành tựu khoa học công nghệ, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, rất tiện lợi và có chi phí thấp, vì vậy, về cơ bản là phải ủng hộ OTT phát triển và các chính sách đưa ra là để phát triển OTT, chứ không phải ngăn chặn.

Trước đó, theo tính toán của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), nếu 40 triệu thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng Viber để gọi điện, nhắn tin thì doanh thu của Viettel sẽ giảm 40-50%.

Trong khi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thì ước tính, OTT đã làm giảm doanh thu của các nhà mạng viễn thông khoảng 10%.

Là người từng kiến nghị cơ quan nhà nước cần sớm có chính sách quản lý đối với OTT tại một hội nghị ngành trước đây, song tại cuộc tọa đàm ngày 5/9, Phó tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ, Viettel không đánh giá OTT "nguy hiểm", mà đây là một cuộc cách mạng trong lịch sử 100 năm của ngành viễn thông. Nhờ có OTT, các nhà mạng sẽ có cơ hội chuyển từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ phi thoại.

Đi tìm cơ chế win - win


Các nhà cung cấp OTT đều cho rằng, sau khi cung cấp dịch vụ ra thị trường Việt Nam, công ty đều mong muốn được hợp tác với nhà mạng để có lợi cho cả nhà cung cấp OTT, cho nhà mạng và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phong Lộc, Giám đốc Phòng Game & Mobile thuộc Công ty NHN Việt Nam, đơn vị đang quản lý Line - dịch vụ OTT được đầu tư 100% vốn nước ngoài, cho biết đơn vị này rất muốn hợp tác với các nhà mạng.

Theo ông Lộc, suốt thời gian qua NHN Việt Nam đã rất lo lắng về khung pháp lý đối với OTT tại Việt Nam để doanh nghiệp có thể tiếp tục đầu tư lâu dài, bài bản hay không, khi công ty cũng đã chi rất nhiều tiền cho ca sỹ, nghệ sỹ để đưa các nhãn hàng lên dịch vụ.

Trong khi đó, ông Vương Quang Khải thì nói, VNG thời gian qua đã “sống trong sợ hãi”, do dịch vụ OTT chưa được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, nên không biết phải đóng cửa bất cứ lúc nào.

Về phía các nhà mạng, một mặt, đa số ý kiến thừa nhận OTT là xu hướng tất yếu và sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ, trên cơ sở đem lại lợi ích cho người dùng và các doanh nghiệp cũng có lợi. Mặt khác, theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc MobiFone, nếu các dịch vụ OTT vẫn phát triển độc lập hiện nay thì vừa không có lợi cho nhà mạng, hơn nữa, sự cạnh tranh cũng không công bằng.

Ông Chiến nói, trong khi các nhà mạng viễn thông chịu quản lý của đủ loại quy định, thì các dịch vụ OTT lại không chịu quản lý của bất kỳ quy định nào, không có giấy phép nên bán giá bằng 0, trong khi thực chất ở đây là sự bù chéo.

Phó tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng thì cho rằng, lợi thế của OTT là "3 không": không hạ tầng mạng, không quản lý, không biên giới, vì thế, sự cạnh của các OTT là không công bằng với các nhà mạng, chưa kể OTT không chịu sự quản lý nào, không đóng thuế, không tạo việc làm.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông nói, OTT là xu hướng mới, không nên và không thể ngăn cấm, nên Cục khuyến khích các nhà mạng chủ động đề xuất, triển khai các giải pháp hợp tác với OTT phù hợp quy định, để bảo đảm sự phát triển chung và quyền lợi của khách hàng.

Theo bà Mơ, có thể tham khảo một số chính sách đối với OTT mà nhiều nước đã áp dụng, như nhà mạng tính phụ phí khi người dùng sử dụng dịch vụ OTT; nhà mạng phát triển riêng dịch vụ OTT và nhà mạng hợp tác với doanh nghiệp OTT để đưa ra gói cước phù hợp (thường gồm cả tính năng tích hợp cả thoại và dữ liệu).

Phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đình Chiến nêu, cần có mô hình win - win để phát triển dịch vụ OTT và theo ông, các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT nên chủ động đề xuất với các nhà mạng về việc trả phí khi sử dụng hạ tầng để đảm bảo công bằng.

Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng văn bản pháp lý về vấn đề này, tuy nhiên, trước mắt, Bộ Thông tin và Truyền thôngkhuyến khích các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp OTT ngồi lại với nhau, để hợp tác kinh doanh các dịch vụ thoại và phi thoại, qua đó đem đến lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.