Cước 3G có thể tăng vì “tội đồ” OTT
Lãnh đạo Viettel nói nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40 - 50%
Nhiều khả năng thời gian tới, giá dịch vụ 3G sẽ tiếp tục được các nhà mạng điều chỉnh tăng lên.
Với những “đánh động” của một số lãnh đạo mạng di động gần đây về tác động của Zalo, Viber, Wala, Line, WhatsApp, KakaoTalk... - những dịch vụ OTT (Over The Top) cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí được xem là đã và đang gây thất thoát hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng và đang đe dọa doanh thu của nhà mạng, thì có lẽ việc tăng giá cước 3G là điều không tránh khỏi, vấn đề chỉ là thời gian.
Theo nguồn tin của VnEconomy, có nhà mạng đã soạn sẵn lộ trình tăng giá cước dịch vụ 3G trong thời gian tới, có điều thời điểm ấn định cụ thể như thế nào thì chưa xác định.
Đáng chú ý, một trong những lý do dẫn đến việc tăng giá cước 3G của nhà mạng tới đây, dịch vụ OTT được xem như là một… “tội đồ”.
Tại một hội thảo về OTT vào tháng 4/2013, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Viettel Telecom cho rằng, nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các nhà mạng là do cước dữ liệu 3G thấp, trong khi đó nhu cầu về băng thông tăng rất nhanh.
Việc các dịch vụ OTT phát triển như “nấm sau mưa” hơn một năm lại đây cũng chiếm một tỷ lệ băng thông nhất định và khiến băng thông của nhà mạng tăng lên. Vì các dịch vụ OTT về cơ bản đều dựa trên kết nối Internet từ mạng 3G.
Theo phân tích của ông Dũng, tại Mỹ, dịch vụ OTT không tác động quá nhiều đến bài toán doanh thu của các mạng di động vì cước dữ liệu của họ ở mức 10 USD/1 GB. Các nhà mạng đã xóa bỏ những mức cước không giới hạn và quy định tăng dung lượng các gói ở mức 1 GB, nên người dùng dù chỉ sử dụng 100 Mb vẫn phải nộp mức phí 10 USD cho 1 GB dữ liệu.
Do cước dữ liệu 3G ở Việt Nam thấp, trong khi băng thông tăng nhanh, vì thế, theo ông Dũng, nhà mạng phải cân đối lại mức giá cước dữ liệu.
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có chính sách quản lý OTT, vì dịch vụ này ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các mạng di động.
Theo ông Hùng, nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40 - 50%, vì hiện 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang đến từ những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin.
Trong khi đó, theo Trưởng ban Viễn thông của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), ông Đỗ Vũ Anh, các dịch vụ OTT đang làm ảnh hưởng 9 - 10% doanh thu của các mạng di động trên thế giới.
Một vị lãnh đạo của Viettel cũng cho biết Viettel sẽ điều chỉnh lại giá cước theo hướng tăng lên, tuy nhiên lộ trình tăng cước ra sao còn phụ thuộc vào sự phản ứng của thị trường.
Hiện một số nhà mạng đã có những động thái cơ cấu lại gói cước 3G. Theo thông tin từ MobiFone, từ 1/8, nhà mạng này đã cung cấp gói cước mới FC10 cho dịch vụ Fast Connect. Đây là gói cước dành cho các thuê bao có nhu cầu sử dụng dữ liệu thấp với mức phí đăng ký chỉ 10.000 đồng, sử dụng trong 30 ngày kể từ thời điểm đăng ký gói cước.
Viettel trước đó cũng cơ cấu lại dịch vụ Mobile Internet chỉ còn 5 gói cước, trong đó có 2 gói tính theo lưu lượng: MI10, MI30 và 3 gói cước không giới hạn: MIMAX, DMAX và DMAX200.
Ngoài ra, Viettel cũng điều chỉnh các gói cước của mình bằng cách áp dụng một chính sách chung cho dịch vụ truy cập Internet trên điện thoại di động. Giá cước và cách tính cước cho thuê bao 2G và 3G cũng được áp dụng chung, không phân biệt điện thoại khách hàng sử dụng là 2G hay 3G.
Việc cơ cấu lại gói cước 3G được xem như những động thái đầu tiên để nhà mạng tăng doanh thu làm giảm phần thiệt hại được xem là do dịch vụ OTT “gây ra”.