Cải cách để giải quyết những thách thức an sinh xã hội
"Chúng ta nói, một thế giới mà không ai bị bỏ lại phía sau, thì chắc chắn ai cũng cần phải được tiếp cận an sinh xã hội"
Mới đây, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã được ban hành. Ông Nuno Meira Simoes da Cunha, huyên gia an sinh xã hội cao cấp của ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đã khẳng định đây là một dấu mốc lịch sử thể hiện cách tiếp cận toàn diện và tích hợp để giải quyết những thách thức an sinh xã hội trong thời gian tới.
Thưa ông, có một thực tế không thể phủ nhận là các chương trình nghị sự toàn cầu đang rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Và có thể nói đây là xu thể chung của các nước nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hiệp quốc được không?
Đúng là như vậy, hiện các chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực ngày càng quan tâm nhiều hơn đến an sinh xã hội. Cần khẳng định xu hướng mở rộng an sinh xã hội vì các mục tiêu phát triển bền vững mới của Liên hiệp quốc mà nhiều nước trong đó có Việt Nam đã thông qua.
Chúng ta nói, một thế giới mà không ai bị bỏ lại phía sau, thì chắc chắn ai cũng cần phải được tiếp cận an sinh xã hội, đây là điều không thể thiếu trong việc giảm thiểu, ngăn ngừa đói nghèo và tình trạng bị tổn thương.
Nếu nhìn theo chiều dài lịch sử về an sinh xã hội, thì hầu hết ở các nền kinh tế tiên tiến đều cho thấy an sinh xã hội tác động trực tiếp và gián tiếp đến năng suất. Trong nhiều thập kỷ, an sinh xã hội làm giảm mâu thuẫn xã hội, tăng cường bản sắc dân tộc, bù đắp cho những khiếm khuyết của thị trường, góp phần ổn định, và thậm chí thường xuyên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế..
Vậy thì Nghị quyết số 28 NQ/TW về cải cách Chính sách bảo hiểm xã hội mà Việt Nam mới ban hành rất phù hợp. Theo ông, nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với an sinh xã hội của Việt Nam, thưa ông?
Tôi đánh giá cao nghị quyết này, tôi nghĩ đây là một nghị quyết mang tính đột phá về cải cách bảo hiểm xã hội đã đưa Việt Nam tiệm cận đến các nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực chính sách an sinh xã hội. Sự kiện này đánh dấu một quyết định lịch sử, thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện và tích hợp để giải quyết những thách thức an sinh xã hội hiện nay.
Thông qua nghị quyết này, Việt Nam đã cam kết với các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản như Khuyến nghị của ILO về Sàn an sinh xã hội (R202) và Chương trình phát triển bền vững của Liên hiệp quốc năm 2030 như đề cập ở trên. Quyết định hiện thực hóa bao phủ an sinh xã hội toàn dân thông qua xây dựng một hệ thống đa tầng, trong đó kết hợp giữa hệ thống không dựa trên đóng hưởng (do thuế chi trả) và hệ thống dựa trên đóng hưởng (bảo hiểm xã hội) đưa Việt Nam đồng hành cùng các quốc gia khác trong khu vực đã đạt mục tiêu phổ quát an sinh xã hội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Thái Lan…
Tôi thấy tất cả những điều chỉnh mới trong nghị quyết là rất cần thiết để đảm bảo hệ thống trong tương lai có thể hiện thực hóa những quyền lợi được hình thành hôm nay.
Như vậy có thể nói nghị quyết đã có rất nhiều điểm đột phá mới vi dụ như vấn đề bao phủ an sinh xã hội toàn dân, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, giảm điều kiện hưởng lương hưu, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần… Nhưng để đưa nó vào cuộc sống thì Việt Nam cần phải đối diện với những thách thức nào, thưa ông?
Đúng đó là những điểm đột phá trong nghị quyết nhưng đó mới chỉ là một bước tiến. Thách thức nằm ở việc chuyển nó thành hành động thực tiễn. ILO tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu, tuy nhiên điều quan trọng là cần nhận thức được những thách thức hiện tại.
Về cải cách hưu trí, các định hướng được xác định rõ ràng nhưng cần phải chú ý đến các chi tiết triển khai. Dù các nhân tố thiết kế đã được xác định, nhưng nếu xét đến thực trạng tỷ lệ tham gia của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay thì để đạt được độ bao phủ toàn dân cần phải dựa trên phân bổ của chính phủ qua hệ thống hưu trí xã hội không dựa trên quan hệ đóng hưởng.
Đến năm 2030, số người trên 65 tuổi có lương hưu từ quan hệ đóng hưởng sẽ không thể hơn 2 triệu. Như vậy, khoảng 10 triệu người cao tuổi không có lương hưu, điều này càng khẳng định sự cần thiết phải mở rộng hệ thống hưu trí xã hội và xây dựng một hệ thống bao phủ toàn dân.
Theo tính toán ban đầu của ILO, để đảm bảo vào năm 2030, toàn bộ người trên 65 tuổi, kể cả những người không tham gia đóng, có thể nhận mức một khoản lương hưu cơ bản, thì chi phí sẽ ở mức dưới 0,8% GDP. Điều này cũng có nghĩa sẽ làm tăng chi thường xuyên của chính phủ, nhưng ILO tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam có thể chịu được mức chi này.
Một thách thức khác liên quan đến sự gắn kết và phối hợp chính sách. Trong một hệ thống đa tầng, sự kết nối giữa các tầng rất quan trọng. Việt Nam đã đạt những bước tiến đáng kể về chính sách trong lĩnh vực trợ giúp xã hội (do thuế chi trả) và bảo hiểm xã hội (dựa vào đóng góp).
Tuy nhiên xây dựng một hệ thống đa tầng đòi hỏi nhiều hơn thế. Chuyển từ mô hình hai chính sách độc lập sang mô hình đa tầng hài hòa chắc chắn là một giải pháp tốt nhất, nhưng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh từ thể chế và khung khổ pháp luật.
Và cuối cùng, liệu đây có phải là thời điểm chín muồi để Việt Nam hướng đến một chính sách an sinh xã hội toàn diện, hoặc một văn bản pháp luật bao trùm cả bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội trong một khuôn khổ chính sách duy nhất?