Cải cách thể chế: Con đường đi tới thịnh vượng
Cải cách thể chế là con đường giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2035
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt, với nội lực hiện tại, cải cách thể chế là con đường giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2035.
Năm 2035, Việt Nam phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD. Tuy nhiên, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới đạt 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Nhưng tốc độ tăng này vẫn đang quá chậm bởi các nước xung quanh chúng ta đều đã đạt 6 - 7.000 USD, thậm chí trên 10.000 USD.
Bức tranh thịnh vượng
Vì vậy, để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần phải quyết liệt hơn trong hành động, với tư duy mới, tầm nhìn mới tốt hơn để tranh thủ được các cơ hội mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong đó, theo ông Dũng, con người phải là trọng tâm của quá trình phát triển. "Mục tiêu của phát triển phải là không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả phải cùng nhau chia sẻ khát vọng, ước mơ về một Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc cho toàn dân", ông Dũng nhấn mạnh.
Nhưng dưới góc nhìn của ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thịnh vượng phải được hiểu ở cả nghĩa hẹp và rộng. Điều này có nghĩa rằng, thịnh vượng không chỉ là thu nhập được đo đếm bằng con số USD mà còn phải gắn với hàng loạt các yếu tố để tạo nên sự thịnh vượng cho quốc gia như sức sống, sức sáng tạo...
Muốn vậy thì phải có một xã hội cạnh tranh, công khai, minh bạch để tạo tiền đề, động lực cho một xã hội thịnh vượng. Hiện nay, thu nhập của chúng ta vẫn ở mức trung bình thấp. Do vậy, để được thịnh vượng, tối thiểu Việt Nam phải là nước có thu nhập trung bình cao khoảng 10.000 USD/người/năm.
Thậm chí, theo vị chuyên gia này, quốc gia thịnh vượng phải là quốc gia có nền kinh tế với cơ cấu kinh tế thiên về chất lượng, hướng tới công nghệ cao, dựa trên nội lực từ chính doanh nghiệp trong nước. "Bởi một nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khu vực nước ngoài thì không thể nói đó là một quốc gia thịnh vượng", ông Thành nói.
Tuy nhiên, dù Việt Nam ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ nhưng quy mô nền kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả cạnh tranh kinh tế chưa cao, năng suất lao động có khoảng cách khá xa so với các nước khu vực; nguy cơ tụt hậu còn hiện hữu. Đây chính là những thách thức Việt Nam phải vượt qua trong chặng đường tiến lên phía trước.
Cải cách hướng đến kinh tế tư nhân
Để đi trên con đường thịnh vượng, theo Bộ trưởng Dũng, động lực phải đến từ thể chế. "Bởi thể chế có vai trò quan trọng nhất, có tính chất quyết định. Chúng ta phải coi đổi mới, sáng tạo vừa là động lực vừa là mục tiêu. Bởi cũng chỉ đổi mới, sáng tạo mới có thể giúp Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh và bền vững", ông Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cải cách thể chế còn phải gắn với khu vực kinh tế tư nhân bởi đây chính là trụ cột đưa Việt Nam tới con đường thịnh vượng. "Nhưng đáng tiếc rằng, hơn 30 năm qua, doanh nghiệp tư nhân không lớn được là do bị phân biệt đối xử", ông Cung nói.
Vì vậy, theo ông, bây giờ phải là lúc tư duy lại về lực lượng doanh nghiệp và cả hệ thống cơ chế chính sách để ủng hộ doanh nghiệp tư nhân trong nước. Phải tìm ra những doanh nghiệp lớn đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nỗ lực dần chính thức hóa được khu vực hộ gia đình kinh doanh, đưa họ làm ăn bài bản, chuyên nghiệp hơn như doanh nghiệp.
"Một hướng nữa là phải làm sao để số doanh nghiệp có vốn nhiều, lao động nhiều, quy mô lớn phải thực sự lớn, có năng lực đổi mới sáng tạo, trở thành doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt.
Hiện, đã có một số tập đoàn bắt đầu chuyển sang những lĩnh vực gắn hơn với công nghệ, nghiên cứu và triển khai (R&D) nhưng vẫn còn khoảng cách rất lớn để đủ sức cạnh tranh, thực sự và đủ sức là doanh nghiệp dẫn dắt, tiên phong. Để có được đội ngũ doanh nghiệp này, phải khuyến khích đầu tư cho công nghệ. Muốn vậy, phải thực sự coi trọng khởi nghiệp và sáng tạo", ông Cung nói.
Còn theo ông Thành, việc phát triển doanh nghiệp tư nhân đồng thời phải thay đổi chiến lược đầu tư nước ngoài. Khối doanh nghiệp nước ngoài phải kéo doanh nghiệp tư nhân trong nước lên chứ không phải để cạnh tranh những cơ hội phát triển. Hiện, Cách mạng công nghệ 4.0 đang tạo ra thay đổi, thế giới đang dịch chuyển chuỗi sản xuất. Đây là cơ hội tốt để chúng ta mặc cả, chọn lựa đầu tư nước ngoài.
Thể chế phải đi đầu
Nhưng đổi mới thể chế không phải là con đường dễ đi. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cải cách thể chế kinh tế là việc thiết lập, bổ sung và thay đổi hệ thống các quy tắc, luật lệ, trước hết là các quy tắc, luật lệ chính thức để thực hiện các cải cách kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.
Bên cạnh đó, đột phá về thể chế là những thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh về thể chế, tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước tiến nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. "Như vậy, cải cách thể chế và đột phá thể chế là thay đổi nội dung, không phải chỉ thay đổi hình thức, thay đổi trình tự, thủ tục", ông Cung nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo quan sát của ông, trong thời gian qua, dù có một số cải cách, nhưng chưa có thay đổi hay cải cách mang tính đột phá về thể chế. Do đó, sắp tới đây, đột phá thể chế chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục là đột phá chiến lược hàng đầu.
Trong đó, một trong những đề xuất quan trọng của ông Cung đó là phải tháo bỏ mọi rào cản, trở ngại đang kìm hãm sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.
"Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là một nội dung quan trọng của cải cách thể chế. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm, về cách thức làm luật của ta, Việt Nam thường phải có luật rồi mới cho làm, hạn chế sức sáng tạo. Trong khi, ở các nước phát triển, người ta đánh giá cao và khuyến khích startup, các ý tưởng. Các bạn trẻ cứ làm, luật chỉ là phương thức tạo hành lang pháp lý.
Chỉ có bằng cách này, Việt Nam mới nhanh bắt kịp thế giới. Chúng ta biết hiện tính thích nghi và phản ứng nhanh của hệ thống chính sách là rất chậm. Uber vào rồi rời khỏi Việt Nam chóng vánh, tranh luận giữa Grab và taxi truyền thống vẫn chưa có hồi kết trong khi chúng ta vẫn còn chưa tìm ra cách thức quản lý sao cho hiệu quả", ông Cung nói.
Vì vậy, nếu xây dựng luật pháp theo kiểu chỉ cho người dân làm những gì mà Nhà nước biết thì vừa không tạo được không gian cho người dân và doanh nghiệp phát triển, vừa không tạo ra áp lực cho cơ quan nhà nước, cho công chức nhà nước để nâng cao năng lực, ứng phó với các vấn đề phát sinh.
Kết quả là mình luôn thụ động và co lại. Thể chế không khuyến khích cách làm mới thì sẽ đẩy người tài đi, vuột mất cơ hội và chúng ta còn tụt hậu dài vì thế giới đang thay đổi rất nhanh.
Nghị quyết của Đảng từ lâu đã nói, phải xây dựng thị trường các nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường đất đai. Nhưng theo ông, đến giờ thị trường này vẫn chưa hình thành, thậm chí là đang có nhiều vấn đề.
"Và vì thế, nếu chỉ loay hoay bỏ mấy điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính thì không thể mở rộng được quy mô thị trường, không thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực để tạo ra động lực tăng trưởng, thúc đẩy nền kinh tế bứt phá", ông Cung nói.
Vì vậy, đây phải là những trở ngại phải được tháo gỡ để nền kinh tế tiếp tục tăng tốc trong tương lai.