09:28 08/12/2010

Cam kết ODA có thể giảm?

Anh Quân

Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ có thể giảm cho vay ưu đãi, tăng khoản vay không ưu đãi

Phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn tới có thể khó trông chờ ODA.
Phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn tới có thể khó trông chờ ODA.
“Nhiều nhà tài trợ có thể chưa có kế hoạch cam kết”, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Hồ Quang Minh cho biết như vậy vào cuối phiên họp chiều 7/12 của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG).

Trả lời VnEconomy, ông Minh cho rằng đây là xu hướng chung, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ có thể sẽ giảm các khoản vay ưu đãi mà tăng khoản vay không ưu đãi.

Nhiều chiều quan điểm

Có lẽ, mỗi nhà tài trợ đều theo đuổi những tính toán riêng, và quan điểm hỗ trợ phát triển cho Việt Nam cũng không cùng chung mức độ.

Ngay trước thềm Hội nghị CG, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhanh chóng thông qua hai khoản vay ưu đãi trị giá 135 triệu USD cho Việt Nam. Lập tức, Ngân hàng Thế giới “lên tiếng” bằng một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 50 triệu USD. Chỉ một tuần sau đó, sáng 6/12, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã ký một hiệp định tín dụng trị giá 150 triệu Euro.

Các khoản vay liên tiếp được thông qua, bất chấp thời điểm Hội nghị CG đến gần, nơi các quan điểm phát triển, lo ngại rủi ro nợ nếu có, hay hiệu quả viện trợ… sẽ được mang ra thảo luận, cho thấy dường như quan hệ đối tác không thay đổi so với trước.

Ở mức độ nào đó, kỳ vọng  trong 5 năm tới vốn ODA cam kết đạt 32-34 tỷ USD, giá trị ký kết 18-22 tỷ USD và thực hiện khoảng 15-17 tỷ USD của Chính phủ Việt Nam đã tính đến sự hỗ trợ có thể đạt trên thực tế?

Thế nhưng, cũng đã xuất hiện những lo ngại từ phía nhà tài trợ, có khả năng ảnh hưởng đến sự cởi mở cho vay thời gian tới.

Nhiều bài phát biểu trong phiên họp ngày 7/12 cho thấy, các nhà tại trợ đều có chung quan điểm lo ngại về hiệu quả đầu tư, cũng như huy động nợ lớn có thể dẫn đến mất ổn định vĩ mô Việt Nam.

Theo IMF, Việt Nam nên thực hiện một kế hoạch củng cố ngân sách nhằm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP để tạo không gian tài khóa. Cơ quan này khuyến cáo Chính phủ nên cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 5% GDP trong năm 2011 và  xuống khoảng 3% vào năm 2015.

Phía Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh cũng cho biết đang tiến hành đánh giá giữa kỳ Thỏa thuận quan hệ đối tác phát triển 10 năm (2006-2016), có xem xét đến những yếu tố mới bao gồm việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trong bài tham luận sáng 7/12 cũng đề cập, với địa vị nước thu nhập trung bình, nhiều nhà tài trợ cho biết đang có kế hoạch thu nhỏ quy mô hỗ trợ cho Việt Nam.

Về phía Chính phủ, không phải những quan điểm trên chưa được thu nhận. Trong định hướng huy động và sử dụng các nguồn lực cho giai đoạn tới đã có thêm một chỉ tiêu mới, các khoản vay ưu đãi nước ngoài (ODA kém ưu đãi) dự kiến sẽ huy động khoảng 1,5-2 tỷ USD mỗi năm.

Thu nhỏ viện trợ: Lợi hay hại?

Cũng tham luận của ông John Hendra trích dẫn một báo cáo gần đây cho hay, gánh nặng nợ nần đối với nhà nước ước tính đã ở mức 56,7% GDP, cao hơn vài điểm so với ngưỡng 50% vốn được cho là con số tối đa có thể chấp nhận được. Như vậy, việc có nên tiếp tục vay thêm phải căn cứ trên các chỉ tiêu quản lý nợ, điều này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ.

Hiển nhiên là việc tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ khó khăn hơn, trong khi nhu cầu cho phát triển vẫn còn nhiều là một bất lợi. Nhưng nếu nhìn ngược lại, với những đồng vốn giá cao, có thể hiệu quả đầu tư sẽ được xem xét thấu đáo hơn?

Các tham luận từ phía nhà tài trợ cũng khuyến nghị Chính phủ nên tập trung vào ổn định vĩ mô và tăng niềm tin vào tiền đồng, cũng như môi trường đầu tư. Kèm theo đó, nhiều bài phát biểu đánh giá cao việc Chính phủ xem xét thí điểm mô hình hợp tác công tư. Đây có thể là gợi ý cho việc huy động nguồn vốn xã hội thay thế cho các khoản vay từ nhà tài trợ…

Nếu những điều chỉnh đi theo các hướng kể trên, lợi thế sẽ chuyển dần về dài hạn và sự cân bằng đạt được sau khi những khoản viện trợ ưu đãi rút dần đi là nền tảng mới cho tăng trưởng bền vững?

Nhưng có lẽ, kịch bản trên chưa sớm xảy ra. Một thực tế là cho dù mức độ cam kết tài trợ ngày càng cao trong những năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ sử dụng hết những ưu ái từ các đối tác phát triển.

Theo báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị CG, với số vốn cam kết trên 8 tỷ USD cho năm nay, đến cuối năm 2010, tổng giá trị ODA ký kết qua các hiệp định dự kiến chỉ đạt khoảng 4,093 tỷ USD, trong đó vốn vay là 3,861 tỷ USD và viện trợ không hoàn lại 232 triệu USD.

Nếu phấn đấu lắm, huy động các ngành, các cấp, các địa phương, dự kiến mức giải ngân vốn ODA năm 2010 đạt khoảng 3,5 tỷ USD (vốn vay là 3,2 tỷ USD và viện trợ không hoàn lại khoảng 300 triệu USD), trong đó giải ngân nhanh đạt 558,5 triệu USD.

So với năm 2009 (giải ngân ODA đạt 4,105 tỷ USD), thực hiện ODA năm nay có thấp hơn nhưng chủ yếu do giảm mạnh giải ngân nhanh. Nếu chỉ tính giải ngân theo các chương trình dự án thì năm 2010 tăng khoảng 30% (2,941 tỷ USD so với 2,261 tỷ USD).