Cao tốc Bắc - Nam không phát sinh thêm nợ công
Phần vốn nhà nước bố trí 55.000 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ các nhà đầu tư theo hình thức PPP
Đó là khẳng định của Bộ Giao thông Vận tải tại báo cáo vừa hoàn thành ngày 13/11, giải trình ý kiến của Uỷ ban Kinh tế và của đại biểu Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội đã có câu tả lời tại đây.
Thật sự cần thiết, cấp bách
Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi của dự án trong khi nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế, cần đầu tư cho các dự án cần thiết khác cấp bách hơn.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, Chính phủ đã cân nhắc để lựa chọn một số đoạn đường bộ cao tốc thật sự cần thiết, cấp bách trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn, Chính phủ đã lựa chọn 654 km để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư với phần vốn nhà nước bố trí 55.000 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ các nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Lo vốn, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị đánh giá tác động đến nợ công khi sử dụng vốn Nhà nước 55.000 tỷ đồng cho dự án.
Bộ Giao thông Vận tải hồi âm, tại nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia. Trong đó bố trí cho dự án chống ngập Tp.HCM10.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng cho đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Báo cáo nêu rõ, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công, đã đánh giá tác động nợ công đảm bảo không vượt quá trần nợ công. Phần vốn Nhà nước tham gia đầu tư dự án (55.000 tỷ đồng) là một phần trong tổng số 70.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội thông qua nên không phát sinh thêm nợ công.
Lý do chia thành 11 dự án
Trong quá trình thảo luận, khá nhiều ý kiến băn khoăn về tiêu chí, nguyên tắc phân chia chiều dài của các dự án thành phần và đề nghị Chính phủ cần làm rõ.
Theo báo cáo, Chính phủ phân chia 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam không phụ thuộc vào chiều dài mà dựa trên một số nguyên tắc.
Thứ nhất, khi hoàn thành có thể đưa vào khai thác độc lập, không phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành các dự án thành phần khác; kết nối với hệ thống giao thông khu vực (các quốc lộ) và các trục đường nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị lớn.
Ví dụ như đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có điểm đầu giao với quốc lộ 7 kết nối quốc lộ 1 và cửa khẩu Nậm Cắn, điểm cuối giao với quốc lộ 8 kết nối quốc lộ 1, cảng Vũng Áng và cửa khẩu Cầu Treo. Hay đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu giao với tuyến đường hiện hữu kết nối với Quốc lộ 1, thành phố Phan Thiết và khu công nghiệp Hàm Kiệm, điểm cuối giao với đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Nguyên tắc thứ hai là quy mô dự án thành phần không quá lớn và tổng mức đầu tư ở các mức khác nhau từ khoảng 5.000 tỷ đồng đến 20.000 tỷ đồng, phù hợp với năng lực tài chính của nhà đầu tư ở các mức khác nhau, tăng tính khả thi dự án.
Thứ ba là phù hợp với điều kiện cụ thể của dự án: một số dự án đang đầu tư, đa số các dự án trước đây đã được phê duyệt đề xuất dự án hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi, các dự án có lưu lượng khác nhau và phương án tài chính khác nhau nên việc phân chia các dự án thành phần cần phù hợp với điều kiện cụ thể.
Về băn khoăn dự án có chiều dài quá ngắn là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15 km, Bộ giải thích đang thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước với quy mô 2 làn xe, chỉ cần bổ sung nguồn vốn nhà nước khoảng 1.600 tỷ đồng để hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe. Việc ghép với các đoạn khác hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư đều không thích hợp.
Đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 29 km thì điểm đầu giao với đường tỉnh 653 kết nối với quốc lộ 1 và thành phố Nha Trang, việc lựa chọn điểm cuối tại Cam Lâm là vị trí kết nối thuận lợi nhất với quốc lộ 1 và Sân bay Cam Ranh bằng đường Đinh Tiên Hoàng (4 làn xe) và đường Nguyễn Tất Thành (4 làn xe). Mặc dù chiều dài ngắn nhưng tổng mức đàu tư ở mức 5.131 tỷ đồng.
Bộ khẳng định, tất cả các dự án khi hoàn thành đều có thể đưa vào khai thác độc lập. Tiến độ đến năm 2021 là cơ bản hoàn thành dự án chậm nhất. Đối với các dự án có khối lượng lớn, sẽ triển khai nhiều mũi thi công để đảm bảo tiến độ.