CEO Baidu đi ngược số đông, kêu gọi cần phát triển AI nhanh hơn nữa
Trong cuộc trò chuyện bên lề sự kiện VivaTech 2024, CEO Baidu Robin Li đã thảo luận về tương lai của AI, nhấn mạnh nhu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn và phát triển ứng dụng gốc AI…
Mới đây, ông Robin Li, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành gã khổng lồ internet Trung Quốc Baidu, đã tham dự VivaTech 2024, một trong những sự kiện công nghệ hàng đầu Châu Âu được tổ chức tại Paris (Pháp). Tại sự kiện, vị CEO đã có nhiều chia sẻ thú vị về tầm nhìn tương lai đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Trong cuộc thảo luận kéo dài 30 phút với ông Maurice Levy, Chủ tịch Ban giám sát Publicis Groupe, CEO Li nhấn mạnh sự cần thiết đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu AI, bày tỏ lo ngại những tiến bộ hiện tại đang phát triển quá chậm, theo KrASIA.
“Có lẽ đa số người dùng đều bị sốc về tốc độ phát triển của công nghệ trong vài năm qua, nhưng với tôi nó vẫn chưa đủ nhanh, thậm chí là quá chậm!”, CEO Li tuyên bố, nhấn mạnh ngành phải tăng tốc nỗ lực nếu muốn đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Đáng chú ý, quan điểm của CEO Baidu trái ngược hoàn toàn với đa số nhà lãnh đạo công nghệ khác. Một vài nhân vật nổi tiếng trong ngành thường xuyên công khai bày tỏ ý kiến rằng công nghệ AI đang phát triển vượt bậc và quá nhanh. Vào tháng 10 năm ngoái, ông Eric Schmidt, cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Google, cho biết trong cuộc trò chuyện với Giáo sư Graham Allison đến từ Đại học Harvard rằng bối cảnh phát triển AI “diễn ra quá nhanh” và “tồn tại nhiều hệ quả tiêu cực sâu sắc”, ám chỉ đến thách thức pháp lý, vấn đề đạo đức và mâu thuẫn văn hóa vẫn chưa được giải quyết. Đầu năm 2023, tỷ phú Elon Musk, nhà lãnh đạo hãng xe điện Tesla, công ty hàng không vũ trụ SpaceX và mạng xã hội X (trước đây được biết tới là Twitter), cũng xác nhận nằm trong nhóm chuyên gia AI và Giám đốc Điều hành ký bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng tiến bộ AI.
Theo Grand View Research, thị trường AI toàn cầu rõ ràng đang bùng nổ nhanh chóng, dự kiến tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 36,6% trong giai đoạn 2024 – 2030.
Đi sâu hơn vào chủ đề, CEO Li khẳng định cách tiếp cận dựa trên ứng dụng có thể thúc đẩy đổi mới trong mô hình nền tảng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên internet sang kỷ nguyên AI. Ông chia sẻ thêm, tại thị trường Trung Quốc, trọng tâm đang dần chuyển sang tạo ra các siêu ứng dụng AI. Lấy Ernie Bot của Baidu làm ví dụ, chatbot AI độc quyền của hãng phát hành vào tháng 3/2023 hiện đã thu hút hơn 200 triệu người dùng cá nhân.
Bên cạnh đó, CEO Li còn đưa ra dự đoán về sự xuất hiện của nhiều định dạng mới cho các ứng dụng AI. Những ứng dụng này có tiềm năng đạt được lượng người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) khổng lồ. So sánh với một số ứng dụng di động hiện nay như Instagram, YouTube và TikTok, vị Giám đốc bày tỏ rằng chưa có ứng dụng gốc AI nào sở hữu cơ sở người dùng ở quy mô tương tự, vào khoảng từ vài trăm triệu đến một tỷ tài khoản hoặc nhiều hơn.
Thảo luận về cơ hội kinh tế mà AI mang lại, Giám đốc Điều hành nhận định AI tạo sinh hoặc trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) giúp nâng cao đáng kể năng suất. Ông minh họa luận điểm bằng cách mô tả về kịch bản trong đó AI có thể tái tạo năng suất của hàng tỷ người lao động, từ đó thay đổi toàn bộ nền kinh tế.
Một nghiên cứu của PwC dường như ủng hộ quan điểm của CEO Li, dự báo AI sẽ đóng góp lên tới 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Nếu bối cảnh diễn ra đúng dự kiến, con số này cao hơn sản lượng hiện tại của cả Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại.
Tuyên bố của CEO Li chính là lời kêu gọi tăng tốc phát triển AI. Quan điểm của ông về tiềm năng kinh tế AI, cùng với tầm nhìn đầy lạc quan về ứng dụng gốc AI, trái ngược hẳn với đa số chuyên gia trong ngành đang ra sức cảnh báo về mức độ tiến bộ quá nhanh chóng của công nghệ. Khi thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu tiếp tục mở rộng, mặc dù có những đóng góp đáng kể về mặt kinh tế, cuộc tranh luận về tốc độ đổi mới AI và mối lo ngại xoay quanh vấn đề đạo đức chắc chắn vẫn sẽ là chủ đề thảo luận ưu tiên.