Chất vấn tại Quốc hội: Không để người không được hỏi "nhảy" vào bình luận
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội
Khi đại biểu chất vấn thì người được chất vấn phải trả lời chứ người không được hỏi lại nhảy bổ vào bình luận nọ bình luận kia thì không nên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhận xét.
Tiếp tục phiên họp thứ 29, sáng 11/12 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội và các ý kiến thảo luận đều nhấn mạnh kỳ họp thứ sáu rất đặc biệt và rất thành công. Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, lấy phiếu tín nhiệm khách quan, chất vấn sôi nổi, điều hành linh hoạt và hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, việc tổ chức kỳ họp thứ 6 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm.
Đó là, việc đóng dấu mật một số tài liệu chưa phù hợp với mức độ mật của nội dung, gây khó khăn trong việc bảo quản và sử dụng tài liệu. Có nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế. Chưa khắc phục triệt để việc chậm gửi tài liệu của một số dự án luật, dự thảo nghị quyết, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và quyết định của đại biểu Quốc hội.
Một số báo cáo kết quả giám sát chưa đề cập đầy đủ, toàn diện các mặt hoạt động của bộ trưởng, trưởng ngành; phần nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất trong một số báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước chưa sát tình hình thực tiễn.
Hạn chế tiếp theo là vẫn còn hiện tượng đại biểu vắng mặt khá nhiều trong một số phiên họp, nhất là các phiên họp vào chiều thứ sáu. Công tác bảo đảm phục vụ có lúc, có nơi chưa đáp ứng mong muốn của đại biểu Quốc hội.
Trong chất vấn, Tổng thư ký nêu hạn chế là một số câu hỏi nằm ngoài phạm vi chất vấn. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác, có bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì cần tiếp tục nghiên cứu thêm về tổ chức chất vấn.
Thảo luận đã có đổi mới, có tranh luận, nhưng chất vấn đề nghị không có tranh luận, đại biểu hỏi thì người được trả lời phải trả lời chứ người không nhận được câu hỏi lại nhảy bổ vào bình luận nọ bình luận kia thì không nên, ông Định thể hiện quan điểm.
Cũng góp ý về chất vấn, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề cập đến ý kiến bảo vệ ngành khi đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về phát ngôn của ông Nhưỡng liên quan đến ngành công an. Ông Giàu cho rằng cần nghiên cứu để điều hành sao cho được việc mà không căng thẳng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì cho rằng hỏi nhanh đáp gọn là tốt nhưng chỉ dành cho Bộ trưởng ba phút để trả lời mỗi câu hỏi thì chưa nói được hết những vấn đề cần nói.
Cả phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Uông Chu Lưu đều cho rằng cần khoanh lại các nhóm vấn đề để chất vấn tập trung hơn.
Nhấn mạnh kỳ họp thứ 6 đã thành công, để lại dấu án quan trọng và có tính lịch sử, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng công tác nhân sự làm rất đúng trình tự, định hướng chính trị. Tài liệu liên quan chuẩn bị kỹ, cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết.
Chất vấn đạt kỷ lục cả số người chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri nói họ rất thích cách chất vấn như vừa rồi, dù điều hành vất vả, Chủ tịch nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý đưa ra quy tắc là khi đại biểu hỏi thì người bị chất vấn trả lời chứ còn người không có liên quan thì tôi không mời.
Vừa rồi nổi lên việc tranh luận bảo vệ ngành, xung quanh tranh luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu thì cũng coi là bình thường thôi, nhưng đúng như chị Nga (Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga - PV) nói là nếu như lúc đó Bộ trưởng Bộ Công an đứng dậy nói ngay thì hay hơn.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2019 và làm việc khoảng hơn 20 ngày.
Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 9 dự án luật khác.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.