15:26 10/12/2024

Việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất tuần hoàn mang lại nhiều kết quả tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện vào hôm 10/12, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã ghi nhận những nỗ lực thực hiện xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp sản xuất ở Việt nam, tuy nhiên nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi vẫn cần phải có nỗ lực lớn hớn nữa...

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam năm 2024. Ảnh: Việt Dũng.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam năm 2024. Ảnh: Việt Dũng.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam năm 2024 vào hôm 10/12, ông Jerome Stucki, Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và Tài nguyên Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), cho biết các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam bước đầu đã thu được thành quả trong nỗ lực chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Sự kiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, giao Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với các đối tác tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam – Từ Kế hoạch đến hành động”.   

TIẾT KIỆM ĐƯỢC 5,8 TRIỆU USD/ NĂM 

Theo ông Stucki, Việt Nam đã xây dựng được 1.283 mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch (RECP). Trong đó có 783 mô hình đã được áp dụng bởi 125 doanh nghiệp trong nước và thu được kết quả ban đầu tích cực.

Một trong những thành quả lớn nhất của việc ứng dụng mô hình RECP chính là tiết kiệm về chi phí lâu dài. Theo đó, các doanh nghiệp áp dụng mô hình RECP đã tiết kiệm được 5,8 triệu USD mỗi năm cũng như thu hút được thêm 11,8 triệu USD từ các nhà đầu tư trong khi giảm được lượng khí nhà kính lên tới 39.560 tấn/năm, tiết kiệm được 4.252 tấn nguyên liệu thô và hóa chất mỗi năm.

Ông Jerome Stucki, Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và Tài nguyên Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO).
Ông Jerome Stucki, Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và Tài nguyên Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO).

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc công ty dệt may TCE Jeans, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất tuần hoàn đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp doanh nghiệp của ông tiết kiệm được một lượng lớn chi phí cho nguyên liệu cũng như hoạt động xử lý.

Theo đó, trong quá khứ, để xử lý nước thải trong quá trình sản xuất, công ty sử dụng dịch vụ bên ngoài với chi phí khoảng 15.000 VNĐ/m3 nước. Sau khi đã tự xây dựng cơ sở xử lý nước thải của riêng công ty với công suất hàng nghìn m3/ngày thì chi phí này đã giảm gần một nửa xuống còn 8.000VNĐ/m3. Về lâu dài đây là một khoảng đầu tư có lợi cho doanh nghiệp.

CÁC DOANH NGHIỆP VẪN GẶP KHÓ KHĂN  

Bên cạnh việc khuyến khích áp dụng các mô hình tuần hoàn, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành sản xuất, đại diện của UNIDO nhấn mạnh mô hình khu công nghiệp sinh thái (EIP) cần phải được xác định là một trong những trọng tâm trong chiến lược xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

“EIP là một mô hình thích hợp để tạo ra sự hài hòa trong sản xuất giữa các doanh nghiệp hoạt động ở cùng một khu vực cũng như giữa khu công nghiệp với các cộng đồng dân cư xung quanh”, Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và Tài nguyên của UNIDO cho biết tại phiên khai mạc của diễn đàn.

Trong mô hình EIP, phụ phẩm sản xuất của một nhà máy có thể trở thành nguyên liệu cho nhà máy khác. Các doanh nghiệp cũng có thể chia sẻ các dịch vụ như vận chuyển, logistic, năng lượng. Đối với các cộng đồng xung quanh, những tài nguyên và năng lực của EIP như khả năng xử lý nước thải, rác thải hay phát điện từ các nguồn tài tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời có thể được dùng để phục vụ cho người dân.

Giải thích thêm, ông Stucki đã chỉ ra 3 ví dụ khu công nghiệp áp dụng mô hình EIP và thu được thành quả lớn bao gồm Deep C, Amata và Hiệp Phước IPC. Nhờ áp dụng các mô hinh chuyển đổi tuần hoàn, 3 khu công nghiệp này đã giảm lượng nước thải trong quá trình sản xuất lên tới  gần 1,1 triệu m3/năm. Lượng điện tiêu thụ cũng giảm 1,367 triệu kWh/năm trong khi lượng phát thải khí nhà kính CO2 cũng giảm 106.577 tấn mỗi năm.

Dù nhận định những nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của ngành sản xuất Việt Nam bắt đầu mang lại thành quả, ông Stucki cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp vẫn gặp phải một số khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới.

Khó khăn đầu tiên là các KCN có nhu cầu lớn trong việc áp dụng các giải pháp tuần hoàn như tái sử dụng nước thải, tái sử dụng nước, và phát triển năng lượng tái tạo để sử dụng nội bộ và chia sẻ. Tuy nhiên, rào cản pháp lý vẫn đang cản trở việc thực hiện các giải pháp này trong các KCN.

Khó khăn thứ 2 là vẫn còn sự thiếu lòng tin giữa các bên trong việc chia sẻ cơ sở hạ tầng để thực hiện cộng sinh công nghiệp (như chia sẻ hệ thống xử lý chất thải, nước thải) từ đó cản trở việc thu hút nhà đầu tư mới và hợp tác thực hiện các cơ hội cộng sinh công nghiệp.

Khó khăn cuối cùng chính là việc huy động nguồn tài chính xanh cần thiết để chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn. Theo đó, các khoản vay tài chính xanh vẫn đang có lãi suất cao và thời hạn vay ngắn, khiến doanh nghiệp chần chừ khi tiếp cận nguồn vốn này.

Đại diện UNIDO kêu gọi chính phủ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 35/NĐ-CP để làm cơ sở đo lường tiến độ chuyển đổi sang EIP và chính thức công nhận các EIP và doanh nghiệp sinh thái; tích hợp các cách tiếp cận EIP vào các chính sách phát triển KCN và chiến lược chuyển đổi cấp tỉnh; thực hiện các chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ thúc đẩy thiết kế sinh thái trong triển khai kinh tế tuần hoàn theo Kế hoạch Hành động Quốc gia về Kinh tế Tuần hoàn (NAPCE); Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp; tăng cường hỗ trợ và đào tạo tiếp cận tài chính xanh để huy động nguồn lực cần thiết.