11:21 28/12/2007

Châu Á khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế

Quốc Trung

Điểm đáng chú ý là năm 2007, hầu hết các nền kinh tế năng động, tăng trưởng mạnh đều nằm ở khu vực châu Á

Ấn Độ là một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất châu Á.
Ấn Độ là một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất châu Á.
Nền kinh tế thế giới đang trong thời kỳ hưng thịnh nhất trong 30 năm qua bất chấp giá dầu tăng cao kỷ lục và những hạn chế về tín dụng. Điểm đáng chú ý là năm 2007, hầu hết các nền kinh tế năng động, tăng trưởng mạnh đều nằm ở khu vực châu Á.

Mặc dù giá dầu đã tăng gấp đôi trong năm 2007 và tăng đến 500% trong 5 năm qua, sự tăng trưởng kinh tế vẫn diễn ra trên mọi lục địa.

Kinh tế châu Á năng động nhất

Các thị trường mới nổi tại lục địa này đã tăng trưởng hơn 8%, trong đó Trung Quốc tiếp tục là nước quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Lần đầu tiên Ấn Độ và Trung Quốc có tỉ lệ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế chung toàn cầu.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán, mức tăng trưởng kinh tế năm 2008 ở khu vực Đông Á sẽ là 8%, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 10,5% và Hàn Quốc là 5%. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, mức tăng trưởng kinh tế chung năm 2008 sẽ có thể đạt 6,1%. ADB nhận định, các nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á có thể thu lợi bằng cách áp dụng linh hoạt hơn về tỷ giá và đưa ra các cách để duy trì tính ổn định của tỷ giá trong nội khối.

Về thị trường chứng khoán thế giới, nói chung 2007 là một năm tốt đẹp và một lần nữa châu Á vẫn là nơi có mức tăng trưởng cao nhất. Trong khi đó, thị trường chứng khoán New York chỉ gia tăng chút đỉnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì giá chứng khoán ở đây đã giảm vào những ngày cuối năm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, kinh tế thế giới năm 2007 tăng trưởng 5,2%, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục năm 2006, do tốc độ tăng trưởng của Mỹ chậm lại và năm 2008 sẽ là 4,8%. Không bứt phá mạnh mẽ như các nền kinh tế châu Á, nhưng kinh tế EU 2007 vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao dự kiến gần 3% và tạo thêm được hàng triệu việc làm mới. Trong ngân sách 2008 đã được các nước đồng ý, lần đầu tiên phần chi lớn nhất (chiếm 45% tổng mức chi của EU) được dành cho các biện pháp thúc đẩy kinh tế chung của 27 nước thành viên.

Đồng USD tiếp tục hạ giá so với các đồng tiền quan trọng, khiến hàng xuất khẩu của Mỹ có sức cạnh tranh hơn, qua đó thu hẹp khoảng cách về mức cân bằng tài chính trên toàn cầu.

Kinh tế Mỹ có thể suy thoái, xuất khẩu của châu Á sẽ giảm?

Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra những lời cảnh báo trong những ngày cuối năm 2007 rằng cuộc khủng hoảng cho vay tín dụng thế chấp thứ cấp có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2008 và nền kinh tế thế giới chắc chắn không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Với nhiều biến động không mong muốn, năm 2007 nền kinh tế Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng tín dụng trầm trọng. Thị trường địa ốc Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng khi lãi suất cho vay cầm cố được điều chỉnh tăng, khiến hàng triệu người vay tiền mua nhà với mục đích đầu tư không thể trả nợ.

Không chỉ có thế, những người vay tiền mua nhà còn không thể bán được nhà vì lãi suất cứ tăng lên, trong khi giá nhà thì hạ liên tục. Kết quả tất yếu là hàng triệu người bị tịch thu tài sản thế chấp còn các ngân hàng cho vay thì phải đối mặt với sự "teo tóp" tài sản trong danh mục cho vay cầm cố. Cuộc khủng hoảng này cũng khiến nhiều công ty cho vay tín chấp dưới tiêu chuẩn phải rời khỏi lĩnh vực này và buộc Quốc hội Mỹ phải xem xét sửa đổi luật cho vay.

Cuộc khủng hoảng tín dụng này còn lan sang các ngân hàng châu Âu. Do đó, các ngân hàng trung ương của Mỹ và châu Âu đã phối hợp cung cấp hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế vì lo sợ rằng nếu không vay được tiền, các nhà sản xuất không có tiền để tài trợ hoạt động sản xuất, nghĩa là hoạt động sản xuất giảm trong khi lạm phát vẫn tăng.

Nếu ba khối kinh tế mạnh nhất là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều bị suy giảm cùng một lúc vào năm tới, chắc chắn các nước châu Á sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng lần này sẽ nhẹ hơn so với những lần trước vì các nước châu Á hiện có tốc độ tăng trưởng cao và buôn bán với nhau nhiều hơn trước.

Nhưng từ giữa năm 2008 trở đi, các nước châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì xuất khẩu của họ sang các nước giàu nói trên sẽ giảm mạnh. Trong khi đó, một số quốc gia châu Á tiếp tục bị lạm phát cao.