Chi trả dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Vì sao khó?
Tỷ lệ thanh toán điện tử trong chi trả các dịch vụ an sinh xã hội vẫn ở mức thấp, dù đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng
Mở rộng thêm các hình thức thanh toán, đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ…là các đề xuất để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực an sinh xã hội tại Hội thảo thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt, tổ chức ngày 25/11.
ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH NGÀY CÀNG TĂNG
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định rằng, thanh toán điện tử trong chi trả các dịch vụ an sinh xã hội hiện nay đang là xu thế được áp dụng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại, hỗ trợ cho các đối tượng kịp thời mà về lâu dài còn giúp cho họ tiếp cận các dịch vụ tài chính tốt hơn, công bằng và minh bạch hơn.
Trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng ATM, dịch vụ ngân hàng trực tuyến internet banking, ví điện tử, QR Code…Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đón nhận tích cực các hình thức thanh toán mới này bởi sự tiện ích và tốc độ nhanh chóng.
Hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, điều này được thể hiện rõ qua giá trị và số lượng giao dịch điện tử đều tăng trưởng mạnh hơn qua các năm.
Trong khi đó, riêng với các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội cũng ngày càng được mở rộng, do vậy thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ cho các nhóm này được xem là công cụ hiện đại để quản lý tốt chính sách.
Hiện, cả nước có khoảng 30% dân số là đối tượng cần trợ giúp xã hội, trong đó có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, 1,4 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng…
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các dịch vụ an sinh xã hội đã được Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội thí điểm trong năm 2019 ở hai huyện của tỉnh Cao Bằng, dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng sang các địa phương khác.
CẦN ĐA DẠNG HÌNH THỨC THANH TOÁN
Mặc dù được đánh giá là có hạ tầng thanh toán đã sẵn sàng, đối tượng thụ hưởng dịch vụ an sinh xã hội rất lớn, song việc thực hiện chính sách cho đối tượng bảo trợ vẫn gặp khó hơn so với các nhóm khác.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trở ngại lớn nhất vẫn do tâm lý thích dùng tiền mặt, đặc biệt với đối tượng an sinh xã hội chủ yếu là người nghèo, người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, người cao tuổi…Bên cạnh đó, hạ tầng dịch vụ cũng chưa đồng bộ trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
"Chẳng hạn, khi người dân nhận tiền qua tài khoản xong thì phải có các dịch vụ đồng bộ khác đi kèm để họ tiêu được tiền mà không phải dùng tiền mặt", ông Hồi nói.
Để đẩy mạnh chi trả các chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ông Hồi cho biết, Cục Bảo trợ xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới thí điểm thêm 3 địa phương, dự kiến là Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và một tỉnh miền núi.
Là một trong 3 địa phương được lựa chọn thí điểm, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại việc chi trả lương hưu, chính sách bảo hiểm xã hội và người có công hầu hết đều đã qua thẻ ATM. Riêng lĩnh vực trợ giúp xã hội, hiện thành phố đang thí điểm tại 3 quận, huyện là Bình Chánh, Thủ Đức và Củ Chi. Kết quả từ tháng 7/2020 đến nay, tổng số người đang được chi trả tại 3 quận này là 23.268 người.
Qua thực hiện, đại diện cơ quan này cũng cho rằng, các thủ tục, giấy tờ cần đơn giản hóa tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng. Thậm chí, với đối tượng bảo trợ xã hội có thể xem xét không nên áp dụng phí, đặc biệt nên hỗ trợ tối đa cho người cao tuổi, người khuyết tật.
Còn theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế, với nhóm đặc thù như đối tượng bảo trợ xã hội thì vấn đề đặt ra là cần có phương pháp chi trả và hỗ trợ thuận tiện nhất.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần có văn bản hướng dẫn cũng như cơ chế mở để tạo sự thống nhất cho các địa phương, bởi vì có nhiều việc địa phương cần huy động nhiều lực lượng cũng như áp dụng hình thức chi trả khác nhau tùy theo vùng miền.
Cũng là đơn vị đã từng thực hiện chi trả lương hưu và chính sách bảo hiểm xã hội, ông Phạm Thanh Du, Vụ phó Vụ Tài chính kế toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại cần phát triển, mở rộng thêm các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, chẳng hạn mở rộng thêm trụ ATM ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó là gia tăng thêm các tiện ích thanh toán. Hiện nay, thanh toán chủ yếu vẫn là qua thẻ ATM, điện thoại, trong khi với một số đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi, người khuyết tật việc thao tác trên các thiết bị này thường không thuận tiện.