14:20 22/11/2011

“Chính phủ cần xem lại lương tại EVN”

Bảo Anh

Câu chuyện về mức lương bình quân của nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thu hút sự chú ý của dư luận

Theo bà Hậu, nếu EVN đang lỗ mà lương bình quân 7,3 triệu đồng thì Chính phủ cũng cần phải xem lại - Ảnh: Reuters.
Theo bà Hậu, nếu EVN đang lỗ mà lương bình quân 7,3 triệu đồng thì Chính phủ cũng cần phải xem lại - Ảnh: Reuters.
Câu chuyện về mức lương bình quân của nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Sau khi Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh nói, ông “đau lòng” vì mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng của nhân viên là “tương đối thấp, nếu ở nông thôn có thể được, còn nếu ở thành thị thì không thể sống được”, đã có rất nhiều phản hồi của bạn đọc gửi về cho rằng, mức lương bình quân ở tập đoàn này vẫn còn là niềm mơ ước của họ.

Bên hành lang Quốc hội sáng 22/11, VnEconomy đã có cuộc trao đổi nhanh với nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Cù Thị Hậu, xung quanh câu chuyện này.

Thưa, bà nghĩ sao khi EVN liên tiếp kêu lỗ, thì lương bình quân ở doanh nghiệp này vẫn được xem là “mơ ước” của nhiều ngành khác?

Tôi cũng không biết Chính phủ phê duyệt lương cho EVN như thế nào, nhưng khi mà EVN thua lỗ thì Chính phủ cần phải có phương án giải quyết.

Theo tôi, mức lương 7,3 triệu đồng cũng không phải là cao đâu. Nhưng nếu khai báo lỗ mà lương vẫn ở mức đấy, thì Chính phủ cũng cần xem lại.

Tôi sẽ chất vấn bộ chủ quản về vấn đề này.

Bà cho rằng, mức lương 7,3 triệu đồng tại EVN không phải là cao, vậy điều này cũng có nghĩa là mặt bằng lương của chúng ta hiện nay quá thấp?

Tôi nói không cao lắm là đối với cụ thể doanh nghiệp đó hay đối với một số ngành công nghệ cao. Còn tất nhiên, nhìn chung thì mức 7,3 triệu cũng là mơ ước của nhiều người lao động, vì lương tối thiểu của người lao động ở khu vực 1 hiện cũng chỉ là 2 triệu đồng.

Là người từng đại diện cho quyền lợi người lao động, bà nghĩ sao về mức lương và quyền lợi của người lao động hiện nay?

Mức lương thì do Nhà nước quy định. Hiện chúng ta mới thí điểm về thỏa ước lao động trong ngành dệt, trong đó quy định các doanh nghiệp phải thực hiện tối thiểu ngang bằng với các quy định của Nhà nước.

Nhưng theo tôi, cơ chế hiện nay bất công ở chỗ, trong khi cán bộ công chức hành chính chỉ làm 40 giờ/tuần, thì người lao động, công nhân vẫn phải làm 48 tiếng/tuần. Không những thế, dự thảo Luật Lao động lại còn đề xuất tăng giờ làm thêm của công nhân lên 600 giờ/năm là quá bất công.

Nếu như thế thì vì miếng cơm manh áo, đồng lương thấp nên người lao động sẽ cố nai sức ra mà làm và cuối cùng may ra họ chỉ nghỉ được 7 ngày/năm. Phần lớn người lao động sẽ không còn thời gian học hành, cho gia đình... họ sẽ không có điều kiện tái tạo sức lao động, và rốt cục họ sẽ bị thải loại. Đây là chính sách vắt chanh bỏ vỏ.

Nhiều cán bộ công đoàn cũng nhận thấy điều đó, nhưng vì họ cũng là người làm công ăn lương. Nếu cán bộ này đứng ra phản đối thì chắc chắn sẽ bị chủ doanh nghiệp sa thải. Vì miếng cơm manh áo của gia đình mình, họ buộc phải im lặng.