16:26 15/11/2024

Chính quyền mới của ông Trump có thể tác động hai chiều tới lĩnh vực công nghệ Việt Nam 

Gia Bảo

Một số tác động đáng chú ý mà chính quyền sắp tới của ông Trump có thể đem đến cho sự phát triển công nghệ và kỹ thuật số của Việt Nam…

Một số tác động đáng chú ý mà chính quyền sắp tới của ông Trump có thể đem đến cho sự phát triển công nghệ và kỹ thuật số của Việt Nam… Hình minh hoạ nguồn Pexels
Một số tác động đáng chú ý mà chính quyền sắp tới của ông Trump có thể đem đến cho sự phát triển công nghệ và kỹ thuật số của Việt Nam… Hình minh hoạ nguồn Pexels

Đây là nhận định được đưa ra bởi Tiến sĩ Sreenivas Tirumala, giảng viên cấp cao ngành Công nghệ thông tin tại Đại học RMIT Việt Nam. 

Theo ông Sreeniva, để đạt được tiến bộ về khoa học công nghệ, hợp tác với Mỹ là cần thiết đối với hầu hết các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam, bởi Mỹ có năng lực và ảnh hưởng to lớn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo một số thông tin gần đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ ban hành các chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ. Điều này có thể tác động đến sự phát triển công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và an toàn thông tin.

CÁC TÁC ĐỘNG VỚI LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ VÀ KỸ THUẬT SỐ CỦA VIỆT NAM

“Nhiều khả năng các thỏa thuận hợp tác công nghệ do doanh nghiệp hai nước ký kết vào tháng 9/2024 sẽ tiếp tục được thực thi. Tuy nhiên, các chính sách mới dựa trên chủ trương "Nước Mỹ trên hết" (nhấn mạnh vào thiết kế, phát triển và sản xuất tại Mỹ) có thể tác động đến việc chuyển giao công nghệ thông qua các doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ của Mỹ ở nước ngoài đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam”,  ông Sreeniva chia sẻ.

Cũng theo giảng viên cấp cao ngành Công nghệ thông tin tại Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam hiện là đối tác quan trọng của Mỹ nhờ vào vị trí địa lý chiến lược. Có thể hiểu rằng Việt Nam sẽ không phải “tự lực cánh sinh” trong các nỗ lực đảm bảo an toàn thông tin (vốn là một trong những vấn đề lớn nhất mà đất nước đang phải đối mặt). “Mỹ có thể cung cấp các công nghệ cần thiết để hỗ trợ Việt Nam đối phó với vấn đề này. Qua đó, Mỹ cũng có thể giám sát các tác nhân đe dọa chung. Trong bối cảnh các mạng lưới an toàn thông tin phi tập trung đang trở nên phổ biến hơn, Mỹ có thể cân nhắc đầu tư hợp tác với Việt Nam”, ông Sreeniva cho biết.

Tiến sĩ Sreenivas Tirumala nhận định, quá trình chuyển đổi số đang tiến triển với tốc độ tốt tại Việt Nam, bao gồm những bước tiến tích cực trong lĩnh vực chính phủ điện tử. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn cần đẩy mạnh tự động hóa, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ. Đây là lĩnh vực mà các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Microsoft có thể muốn theo đuổi.

Mặc dù các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, sản xuất và dầu khí có thể được cải thiện thông qua chuyển đổi số, nhưng việc hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực này khó khả thi. Đó là vì ưu tiên sản xuất trong nước và chủ trương đẩy mạnh khoan dầu của ông Donald Trump đang khuyến khích các công ty Mỹ quay trở lại Mỹ hoặc triển khai kế hoạch sản xuất mới trong nước. “Do đó, dự kiến ​​sẽ có rất ít (hoặc không có) hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực này”, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala dự đoán. 

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO: MỘT LĨNH VỰC HỢP TÁC MỚI NỔI

Tiến sĩ Sreenivas Tirumal chia sẻ, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Việt Nam là quốc gia mới nổi về AI nên hợp tác và chuyển giao công nghệ rất quan trọng. Các chính sách mà ông Donald Trump đề xuất chưa có đề cập cụ thể nào về các kế hoạch triển khai hay cung cấp hỗ trợ dựa trên AI. “Tuy nhiên, những diễn biến khác gần đây về hợp tác công nghệ cho thấy Mỹ có thể quan tâm đến việc đầu tư (và thử nghiệm) các công nghệ dựa trên AI để quản lý thảm họa và thiên tai ở Việt Nam”, ông Sreenivas cho biết. 

Việc tìm kiếm hỗ trợ trong các lĩnh vực như ô nhiễm không khí và dự báo thời tiết sẽ là giải pháp đôi bên cùng có lợi cho cả Mỹ và Việt Nam. Mỹ sẽ có cơ hội thử nghiệm thiết bị mới và các mô hình dựa trên AI của họ tại Việt Nam trước khi triển khai trên quy mô lớn ở trong nước. Tuy nhiên, với lập trường của ông Donald Trump về biến đổi khí hậu, khả năng hợp tác trong lĩnh vực trên vẫn chưa chắc chắn.

“Tóm lại, nhìn vào những gì đã diễn ra trong quá khứ cũng như lập trường hiện tại của Tổng thống đắc cử Donald Trump, chúng ta có thể kỳ vọng rằng việc trao đổi công nghệ và kiến ​​thức song phương sẽ tiến triển dẫu có một số hạn chế tiềm ẩn”, ông Sreenivas kết luận.