Chính sách vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn tư duy nhiệm kỳ
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước
Việc ban hành các chính sách còn mang tính ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ, thiếu tính chiến lược, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận xét khi thẩm tra kết quả ba năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2018.
Ngày 15/10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về nội dung này.
Theo báo cáo của Chính phủ, 53 dân tộc thiểu số hiện có 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Hiện nay có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về kết quả thực hiện chính sách trên từng lĩnh vực, Chính phủ cho biết trong giảm nghèo bền vững từ 2016 - 2018, nguồn lực ngân sách Trung ương bố trí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là: 21.597,557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,1% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020.
Kết quả đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã ATK, vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm xuống còn 35,28% (giảm 4,33% so với năm 2016).
Tuy nhiên, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước, đến cuối năm 2017 còn gần 865 ngàn hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tới 52,66% tổng số hộ nghèo cả nước.
Trong giai đoạn 2016-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khái quát.
Nhận định của Hội đồng Dân tộc là trong ba năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhưng, việc ban hành các chính sách còn mang tính ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ, thiếu tính chiến lược. Đáng chú ý là có chính sách vừa ban hành đã hết thời hạn thực hiện, như quyết định số 33/2015 ngày 10/8/2015 Về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015.
Vẫn theo cơ quan thẩm tra thì chính sách manh mún, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng. Trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Các chính sách thường hỗ trợ, cho không, giải quyết tình thế, chưa tập trung đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng, chưa có chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Mục tiêu chính sách đề ra lớn nhưng thời gian và nguồn lực bố trí hạn chế, thường phải kéo dài thêm.
Báo cáo của Chính phủ mới liệt kê danh mục, chưa phân tích, đánh giá tác động, hiệu quả, nguyên nhân hạn chế của chính sách, cả chủ quan và khách quan; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong ban hành chính sách và tổ chức thực hiện chính sách cũng như dự báo, đề xuất những vấn đề cần giải quyết trong trước mắt cũng như lâu dài. Đây là những nội dung quan trọng cần làm sâu sắc hơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.
Liên quan đến những kết quả cụ thể, báo cáo thẩm tra cho rằng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền, nhiều huyện thuộc Chương trình 30a có tỷ lệ hộ nghèo rất cao.
Chẳng hạn ở Điện Biên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Nhé là 69,34%, huyện Nậm Pồ 63,39%, huyện Điện Biên Đông 60,76%. Còn ở Yên Bái thì tỷ lệ tại huyện Trạm Tấu 60,05%, huyện Mù Cang Chải 59,27%. Tỉnh Hà Giang tỷ lệ hộ nghèo huyện Đồng Văn 57,75%; huyện Mèo Vạc 53,96%. Tỉnh Cao Bằng huyện Bảo Lâm là 51,27 %; huyện Bảo Lạc: 53,73%...
Nhận xét chung, cơ quan thẩm tra cho rằng, con số thống kê 118 chính sách dân tộc là chưa chính xác do chưa thống nhất khái niệm, chưa làm rõ phạm vi, đối tượng tác động của chính sách. Kết quả phân tích cho thấy, trong số 54 chính sách dân tộc trực tiếp đang có hiệu lực, chỉ có 16 chính sách qui định cho vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 18 chính sách qui định cho người dân tộc thiểu số, người công tác tại vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn. 9 chính sách qui định trực tiếp cho người dân tộc thiểu số, còn 11 chính sách chung cho mọi đối tượng trong cả nước. Còn 64 chính sách chung là áp dụng cho toàn quốc, hoặc phạm vi vùng, rất nhiều chính sách không liên quan trực tiếp đến đối tượng dân tộc thiểu số.
Cơ quan thẩm tra phân tích, xuất phát từ việc không xác định, tách bạch được phạm vi, đối tượng nên không báo cáo được nguồn lực ngân sách đã đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số. Các bộ ngành đều đưa số liệu vốn đầu tư chung cho 51 địa phương là đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Từ đó, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhận được sự đầu tư rất lớn và tăng dần lên hằng năm, nhưng thực chất, người dân tộc thiểu số không được thụ hưởng như báo cáo đã nêu.