13:32 02/03/2011

Chống “bão” giá, châu Á vung tiền trợ cấp

An Huy

Các biện pháp trợ cấp, trợ giá và kiểm soát giá mà nhiều chính phủ châu Á đang áp dụng trong "bão" giá có thể phản tác dụng

Giá thực phẩm tăng giờ đã trở thành một trong những mối lo hàng đầu của người Trung Quốc - Ảnh: Getty.
Giá thực phẩm tăng giờ đã trở thành một trong những mối lo hàng đầu của người Trung Quốc - Ảnh: Getty.
Trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng leo thang, ngày càng có nhiều chính phủ, đặc biệt là tại khu vực châu Á, mạnh tay chi tiền để trợ cấp, trợ giá cho người dân và áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng, những biện pháp như vậy có thể phản tác dụng và rốt cục sẽ dẫn tới tốc độ lạm phát cao hơn.

Đầu tuần này, Ấn Độ đã mở rộng chương trình trợ giá vốn đã kéo dài của nước này dành cho các mặt hàng dầu diesel và dầu ăn. Trong những tuần tới, New Dehli có thể thực hiện thêm trợ giá lương thực-thực phẩm.

Tuần trước, chính quyền Hồng Kông tuyên bố sẽ hoãn thu tiền thuê nhà ở công cộng trong 2 tháng, trợ cấp hóa đơn tiền điện và trợ cấp tiền mặt với số tiền 6.000 Đôla Hồng Kông (tương đương 770 USD) cho mỗi tài khoản lương hưu. Theo dự báo, lạm phát ở vùng lãnh thổ này sẽ đạt mức 4,5% trong năm nay.

Tại Singapore, chính phủ cũng đang thực hiện các chính sách hoàn thuế, trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các chế độ phúc lợi khác sau khi lạm phát chạm mức 5,5% trong tháng 1. Ở Indonesia, nơi lạm phát đạt mức 7% trong tháng 1, các cơ quan chức năng đã tính chuyện kết thúc chương trình trợ giá xăng dầu, nhưng nay lại quyết định duy trì chương trình này.

Trung Quốc được xem là quốc gia đi đầu ở châu Á trong những nỗ lực chống “bão” giá. Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện trợ cấp, hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả cần thiết để hạn chế tác động tiêu cực của lạm phát.

Sở dĩ những chính sách trên được các chính phủ ưa sử dụng, vì có thể tạm thời chặn lạm phát, đồng thời giúp người tiêu dùng đương đầu được với sự gia tăng của giá cả. Mặt khác, các chính phủ cũng rất quan ngại việc giá lương thực-thực phẩm leo thang có thể dẫn tới bất ổn chính trị như những gì đang diễn ra ở khu vực Trung Đông.

“Phần lớn các nền kinh tế châu Á không thể để mọi thứ tự điều chỉnh theo cơ chế thị trường, vì người dân nghèo ở đây đã sống quá khổ rồi”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Korrn Chatikavanij nhận xét. Mới đây, Thái Lan đã gia hạn những chương trình áp dụng từ hồi tháng 6, trong đó cung cấp điện và dịch vụ giao thông miễn phí cho người nghèo.

Nhiều chính phủ ở khu vực Trung Đông cũng thực hiện cách làm tương tự, mặc dù những biện pháp này đồng nghĩa với sự gia tăng không bền vững trong chi tiêu ngân sách.

Jordan đã tăng trợ giá xăng dầu, làm gia tăng gánh nặng chi tiêu công, dẫn tới không ít lời cảnh báo từ các hãng định mức tín nhiệm. Algeria cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát giá thực phẩm, trong khi Morocco cam kết sẽ giữ giá thực phẩm ở mức phù hợp “bằng bất kỳ giá nào”.

Theo giới chuyên gia, trợ giá và trợ cấp giúp các chính phủ tránh được những quyết định khó khăn, chẳng hạn như tăng mạnh lãi suất, vốn bị xem là sẽ làm giảm tốc tăng trưởng và thu hút những dòng vốn đầu cơ có hại.

Tuy nhiên, trong dài hạn, các chương trình trợ giá và trợ cấp có thể đẩy giá cả lên cao hơn, vì khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát giá cả lại khiến nông dân và các nhà sản xuất không muốn sản xuất thêm lương thực-thực phẩm và các hàng hóa khác - điều cần thiết để giảm sức nóng của giá cả.

Không chỉ có vậy, chính sách trợ cấp, trợ giá và kiểm soát giá cũng buộc các chính phủ phải chi ra những khoản tiền không nhỏ. Chương trình của Singapore dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 6,6 tỷ Đôla Singapore, tương đương 5,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, đối với nhiều chính phủ ở châu Á, tiền không hẳn là một vấn đề lớn, vì họ có thặng dư ngân sách khổng lồ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan cho biết, nước này có khả năng theo đuổi hầu hết những chính sách hỗ trợ người nghèo hiện nay, nhưng chương trình trợ giá dầu diesel là không bền vững trong dài hạn.

“Các chính phủ ở châu Á về cơ bản đang có hướng đi sai lầm, vì trợ giá và kiểm soát giá là phản tác dụng trong dài hạn”, nhà kinh tế Frederic Neumann thuộc ngân hàng HSBC ở Hồng Kông nhận định. Theo chuyên gia này, đây nên chỉ được coi là những biện pháp cuối cùng mà các chính phủ nên áp dụng khi giá cả tăng.

Bản thân việc kết thúc các chương trình trợ giá và kiểm soát giá cả cũng có thể gây ra bất ổn xã hội. Tại Indonesia vào cuối thập niên 1990, các động thái cắt giảm trợ giá, thả nổi giá cả đã dẫn tới những cuộc biểu tình khiến chính phủ của Tổng thống Suharto bị lật đổ.

Tại Myanmar vào năm 2007, những động thái tương tự cũng dẫn tới những cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ của người dân. Tại Bolivia, Tổng thống Evo Morales gần đây đã phải từ bỏ ý định kết thúc chương trình trợ giá xăng dầu trước nguy cơ đình công toàn quốc trong ngành giao thông-vận tải.

Trong năm 2010, tỷ lệ lạm phát của Venezuela là 27%. Tổng thống Hugo Chavez đã áp dụng chương trình trợ giá cho một loạt hàng hóa và dịch vụ từ lương thực-thực phẩm tới nhà ở và giao thông, dẫn tới tình trạng chồng chéo và phức tạp trong quản lý.

Những hàng người dài trước các chợ thực phẩm trợ giá khiến người dân phải chờ đợi nhiều giờ liền mới mua được hàng, trong khi các biện pháp kiểm soát giá thi thoảng lại dẫn tới thiếu hụt nguồn cung. Công ty dầu lửa quốc doanh của Venezuela thậm chí cũng được đưa vào điều phối công tác hậu cần.

Ngược lại, Brazil chống lạm phát bằng cách nỗ lực tăng nguồn cung lương thực-thực phẩm trong nước. Trong những năm gần đây, chính phủ nước này đã chi nhiều tỷ USD để cho vay trợ cấp đối với các nhà sản xuất thịt bò và các loại thực phẩm khác nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, cách làm của Brazil là hiệu quả hơn trong việc đối phó với lạm phát trong dài hạn.

Một số quốc gia đã nhận thức được rằng, một số chương trình trợ giá, trợ cấp của họ là không bền vững. Việt Nam mới đây đã thực hiện tăng giá xăng dầu. Trung Quốc cũng đã cho phép một số mặt hàng tăng giá. Tháng trước, Bắc Kinh thực hiện tăng giá xăng dầu lần thứ 3 trong 4 tháng.