Chống tham nhũng: Phòng là chính, chứ phải xử thì rất đau!
Phải giáo dục cho cán bộ thấy tiền không thích, thấy gái đẹp không đòi hỏi, một đại biểu Quốc hội nói
Luật làm sao để không thể tham nhũng chứ xảy ra rồi phải xử thì rất đau, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 9/11.
Ông Khái cũng là người vừa trình Quốc hội dự án luật ngay đầu phiên họp.
Chậm chút mà chắc
Cũng như nhiều vị khác, Tổng thanh tra ủng hộ thông qua dự án luật sau ba kỳ họp của Quốc hội, nhưng cũng nhấn mạnh với tác hại của tham nhũng hiện nay thì sửa càng sớm càng tốt.
"Tham nhũng rất phức tạp, người thực hiện có trình độ, phát hiện rất khó nên phòng là chính để họ không thể tham nhũng chứ tham nhũng rồi thì xử lý rất đau lòng, buộc phải làm chứ về nhân văn thì không muốn", ông Khái nói.
Với quan điểm như thế, ông Khái hơn một lần bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm làm sao thiết lập khuôn khổ pháp lý phòng ngừa thật chặt.
Theo ông thì có nhiều công cụ để phòng, đầu tiên là quy chế làm việc phải hết sức chặt chẽ. Rồi trong quan hệ xã hội thì cái nào được phép, cái nào không được cũng nên quy định trong luật. Ví dụ việc tiếp cận doanh nghiệp không vì công vụ cũng nên suy nghĩ, ông Khái tính toán.
Liên quan đến biện pháp kê khai tài sản, ông Khái nhắc lại đánh giá hiện nay là vẫn hình thức và cho rằng lần này sửa làm sao phải tập trung trí tuệ tập thể tính toán đối tượng phải quản lý được, buộc đối tượng phải trung thực, nguồn gốc rõ ràng.
Họ giấu thì rất khó tìm, tìm được cũng mất thời gian, thu hồi không được, vì thế công cụ phòng ngừa rất quan trọng, Tổng thanh tra phát biểu.
Cho biết lần này sửa luật chỉ giữ nguyên 7 điều, sửa 73 điều và thêm 49 điều, ông Khái mong đại biểu ở kỳ họp này giúp hoàn chỉnh dự thảo lần 1, để lần 2 gần hơn với cơ quan thẩm tra.
Chậm chút mà chắc, chứ đặt ra nhiệm vụ mà không làm hết thì rất áy náy, xử một vụ tham nhũng thì rất đau lòng, có khi tử hình, có khi ảnh hưởng cả dòng họ nên phải phòng, con người để tiền trước mặt mà không có ai thì lòng tham dễ nảy sinh nên phòng rất quan trọng, ông Khái nhắc lại quan điểm xuyên suốt là phòng hơn chống.
Cán bộ phải thấy tiền không thích
Coi cán bộ, đảng viên tham nhũng là lực lượng tha hóa, đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) nói, nhiều cán bộ của chúng ta quan liêu lắm. Sáng xe dí đến cửa là bước chân lên đến thẳng cơ quan, chẳng cấn biết xung quanh có gì tốt xấu. Không phải tất cả mà nhiều cán bộ như vậy. Bởi vậy chống tham nhũng là phải làm nghiêm túc.
Cho rằng phương án mở rộng đối tượng kê khai tài sản và là tốt hơn, vị đại biểu Hà Giang nêu quan điểm: đã là cán bộ, công chức thì kê khai tài sản, tài chính là đương nhiên.
Ông nhìn nhận, lẽ thường tham nhũng chỉ xảy ra khi người ta có chức quyền nhưng hiện nay kể cả dân thường cũng có thể tham nhũng.
"Nó môi giới, nó làm đủ kiểu, tìm hiểu xem con cháu các ông lãnh đạo to ở đâu, nó bán hết nhà cửa đi rồi mua nhà ở gần đó và tiếp cận. Khi ông to đến thăm con cháu thì nó "vo ve" để tiếp cận rồi kể khổ cháu khó khăn lắm, bác có việc gì cho cháu làm với. Nó mánh khóe lắm", Tướng Sùng Thìn Cò phát biểu.
Đề cập biện pháp kê khai tài sản, đại biểu Sùng Thìn Cò nói nhiều lãnh đạo từ trung ương đến địa phương khi kê khai thì chả thấy có tài sản gì lớn. Nhưng có khi về quê làm những nhà thờ họ vài tỷ, vài chục tỷ. Những cái này có đưa vào kê khai không?
"Dân rất bất bình vì đời sống còn khó khăn, còn các ông làm nhà thờ họ to như thế, đến ngày giỗ xe to xe nhỏ đỗ đầy đường, ách tắc cả giao thông. Tóm lại là không bình thường", ông kết luận.
Cho rằng cái đức là gốc của cán bộ, người có tài mà không có đức thì hại nước hại dân, tướng Sùng Thìn Cò cho rằng phải giáo dục cho cán bộ kiên định, vững vàng, thấy tiền không thích, thấy gái đẹp là không đòi hỏi.
"Tôi vẫn nói làm cái cái gì cũng vừa phải thôi, chứ nhiều lãnh đạo có "sân sau" đấy, có doanh nghiệp đấy. Xin được một dự án về là biết ngay, lộ ra hết. Mà các dự án nào của mình cũng đều phát sinh chứ chẳng có dự án nào là không tiêu hết tiền", ông nhận xét.