10:00 21/02/2019

Chủ tịch Bảo hiểm Tiền gửi: Nhiều thách thức nhưng thời cơ cũng rõ rệt

Ngô Huy

Năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động và tích cực thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Nguyễn Quang Huy khẳng định, trong thời gian tới, mặc dù sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng nhận thấy những thời cơ rõ rệt.

Năm 2018, với vai trò quan trọng trong nền kinh tế, ngành ngân hàng đã triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường kiểm tra, giám sát; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng; chất lượng tín dụng được nâng cao.

Những kết quả tích cực trong hoạt động ngân hàng góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, GDP cả năm tăng 7,08% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2018, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã chủ động và tích cực thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.

7 nhiệm vụ năm 2019

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã nhận định: Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã tích cực, trách nhiệm để hoàn thành cơ bản hành lang pháp lý nhằm nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam theo các quy định mới.

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng đã xây dựng được một tập thể đoàn kết vì sự phát triển chung của tổ chức.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng đã nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần quan tâm thực hiện trong năm 2019, trong đó có nhiệm vụ tích cực tham gia hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; Tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo tinh thần các Chỉ thị của Ngân hàng nhà nước; Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi; Phát huy vai trò giám sát, cảnh báo an toàn hệ thống; Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành tổng kết quá trình thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật; Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, cho biết, trong thời gian tới, mặc dù sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng nhận thấy những thời cơ rõ rệt. Đó là sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo toàn diện, sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị trên địa bàn Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam hoạt động.

"Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn tiếp thêm sức mạnh cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vững tin trên những chặng đường phía trước", ông Nguyễn Quang Huy nói.

Đang bảo vệ người gửi tiền ở 1.282 tổ chức

Tính đến ngày 31/12/2018, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam bảo vệ người gửi tiền tại 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 94 Ngân hàng và Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác; 1.183 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô. Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã hoàn thành cấp mới 8 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, cấp lại 13 chứng nhận và 441 bản sao chứng nhận tham gia cho các tổ chức tín dụng; thu hồi 1 chứng nhận; cập nhật thay đổi thông tin 723 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Theo kết quả giám sát trong năm 2018, tình hình Quỹ tín dụng yếu kém có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, Bảo hiểm Tiền gửi đã tập trung theo dõi xử lý đối với các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề, đặc biệt đối với 25 quỹ tín dụng có vi phạm nghiêm trọng.

Tính đến ngày 31/12/2018, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 354 tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi gồm 25 ngân hàng thương mại, 329 Quỹ tín dụng nhân dân đạt 100,6% kế hoạch năm 2018 (trong đó, kiểm tra đột xuất 2 tổ chức nằm ngoài kế hoạch nhằm xác định số phí thừa thiếu đến thời điểm được miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt).

"Kết quả kiểm tra cho thấy còn nhiều tổ chức có sai sót trong việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tiền gửi như xác định chưa chính xác số dư tiền gửi được bảo hiểm theo quy định, sai sót trong việc hạch toán, quản lý tài khoản tiền gửi được bảo hiểm và hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ liên quan đến tiền gửi được bảo hiểm.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã hoàn thành công tác rà soát quy định nội bộ liên quan đến quy trình nhận tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm, tổng hợp tình hình hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, đề xuất, kiến nghị một số ý kiến nhằm củng cố, chấn chỉnh, phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng báo cáo Ngân hàng nhà nước", Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho hay.